Táo bón

Chắc hẳn táo bón không còn xa lạ gì đối với tất cả mọi người. Đây là một triệu chứng bất thường đường tiêu hóa, đặc biệt là ruột già. Trong bài viết này, Hemono sẽ cung cấp một số thông tin về nguyên nhân, các biến chứng có thể gặp và cách phòng ngừa táo bón nhé.

1. Táo bón là gì?
Theo tiêu chuẩn chung về y học, người ta gọi là tình trạng táo bón khi một người không đi đại tiện từ ba ngày trở lên, hay nói cách khác là đi đại tiện ít hơn 3 lần mỗi tuần. Khi đại tiện người ta thường khó đi, phải rặn nhiều hoặc thụt tháo thì phân mới ra được, phân thường cứng rắn, tạo khuôn cứng hoặc không tạo thành khuôn mà tạo thành các hòn phân cứng nhỏ tròn.
2. Nguyên nhân gây nên tình trạng táo bón là gì?
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới tình trạng này, tuy nhiên có nhiều nguyên nhân và yếu tố hay gặp hơn cả như:

Do chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt chưa hợp lý: Chế độ ăn thiếu rau và hoa quả. Bình thường rau và hoa quả có chứa lượng chất xơ rất nhiều giúp làm mềm phân. Nếu thiếu chất xơ thì phân rất dễ bị rắn và táo bón. Bên cạnh chế độ ăn, nhiều người uống ít nước hay lười uống nước cũng dễ bị táo bón hơn vì phân thiếu nước dễ bị khô và cứng lại. Ngoài ra một số bất hợp lý trong bữa ăn cũng dễ gây táo bón như: bữa ăn nhiều mỡ, chất béo, dùng nhiều chất kích thích như cafe, bia rượu,…
Những người lười vận động cũng hay bị táo bón hơn những người thường xuyên vận động nhiều.
Những người có thói quen nhịn đại tiện nhiều lần cũng rất dễ bị táo bón.
Do những bất thường đường bài xuất của phân như: khối u ác tính vùng hậu môn trực tràng, polyp hậu môn trực tràng, niêm mạc trực tràng hay ống hậu môn bị rò rỉ nứt kẽ, phình đại tràng bẩm sinh,…
Những bệnh toàn thân liên quan tới táo bón như: lupus ban đỏ, parkinson, tổn thương tủy sống, não,…
Một số loại thuốc cũng có nguy cơ gây nên tác dụng phụ là táo bón như: thuốc ức chế cảm xúc, thuốc hướng tâm thần trong điều trị bệnh tâm lý, trầm cảm, các thuốc có bản chất đối kháng hệ Cholinergic, sắt, kẽm, vi chất chứa kim loại, thuốc chống viêm dòng không phải là steroid,…
Những người thường xuyên lo âu, căng thẳng cũng có nguy cơ bị táo bón cao hơn người bình thường.
Người già dễ bị táo bón hơn người trẻ vig chức năng đường ruột kém.

3. Táo bón có thể gây ra những biến chứng gì?
Táo bón không hẳn là một loại bệnh lý, đây chỉ được coi như một triệu chứng bệnh của đường tiêu hóa. Nhưng nếu tình trạng táo bón không được cải thiện, diễn ra kéo dài thì có nguy cơ gây ra một số bệnh lý khác nguy hiểm hơn như:

Bệnh trĩ: khi bị táo bón, bệnh nhân luôn phải thường xuyên rặn và gắng sức khi đi đại tiện để đẩy và tống được phân ra ngoài. Khi rặn nhiều sẽ có nguy cơ làm giãn các búi tĩnh mạch trĩ gây ra bệnh trĩ. Khi bị bệnh trĩ thì bệnh nhân có nhiều nguy cơ hơn như: đau, chảy máu, búi trĩ lồi ra ngoài gây khó chịu trong sinh hoạt cho người bệnh.
Bệnh nứt kẽ hậu môn: do nhiều khi táo bón kéo dài, các cục phân rắn và cứng sẽ cọ sát với thành trực tràng hậu môn gây xây xát. Tình trạng này kéo dài sẽ nặng dần và gây nên nứt thành từng kẽ.
Tắc ruột: đôi khi phân táo quá to và cứng sẽ cản trở lưu thông đường ruột gây tắc ruột.

4. Điều trị và phòng bệnh táo bón như thế nào?
Cách điều trị và phòng ngừa táo bón

Đối với táo bón, người ta ít khi chỉ định dùng thuốc cho người bệnh. Dưới đây là một số phương pháp điều trị cũng như phòng táo bón cho người bệnh và mọi người:

Thay đổi chế độ ăn hợp lý hơn: mọi người luôn được khuyến khích bổ sung nhiều ra củ quả trong chế độ ăn hằng ngày, uống nhiều nước hơn (khoảng 1,5- 2,5 lít nước mỗi ngày), hạn chế chất béo, đồ ăn nhiều dầu mỡ cũng như các chất kích thích độc hại.
Thay đổi chế độ sinh hoạt: mọi người nên tạo thói quen đi tập thể dục mỗi ngày, vận động nhiều, tránh ngủ nhiều.
Tập thói quen đi đại tiện mỗi ngày và một thời điểm nào đó cố định, khi đi đại tiện không nên sử dụng một số thiết bị điện tử hay đọc sách,… tuyệt đối không nên nhịn đi đại tiện mỗi khi có cảm giác muốn đi.
Nếu các phương pháp trên người bệnh đã áp dụng mà không hiệu quả thì xem xét đến chỉ định dùng thuốc cho bệnh nhân như:
Thuốc chứa lượng chất xơ để bổ sung đơn thuần.
Các loại thuốc nhuận tràng như: tăng tính thấm, ít bị ruột hấp thu, khả năng giữ nước tốt trong lòng ruột như Miralax, magie hydroxid, natri phosphat,…
Thuốc hoạt hóa vận động của ruột và làm mềm phân là Linaclotid
Đường đẳng trương là Sorbitol, lactose,…

Nếu bệnh nhân có các bệnh toàn thân liên quan thì phải điều trị các bệnh liên quan đó để giải quyết triệt để nguyên nhân gây bệnh. Những trường hợp này nếu không điều trị bệnh thì tình trạng táo bón có thể tái đi tái lại nhiều lần.

Trên đây là một số thông tin về táo bón. Hy vọng những thông tin trên đây sẽ hữu ích cho mọi người. Táo bón không phải bệnh nguy hiểm nhưng hãy phòng tránh táo bón sớm để phòng tránh được những biến chứng nặng hơn nhé.

Xem thêm:

Táo bón là gì? 6 cách chữa táo bón an toàn và cực kỳ hiệu quả