Trĩ là một bệnh lý hậu môn trực tràng gặp rất nhiều hiện nay. Trĩ không phải là một bệnh quá nguy hiểm nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì người bệnh dễ gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm hơn. Trong các phương pháp điều trị bệnh trĩ, thắt búi trĩ được coi là một phương pháp nổi trội. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu kỹ hơn về phương pháp này trong bài viết dưới đây của Hemono nhé.

1. Phương pháp thắt búi trĩ là gì?
Thắt búi trĩ là một hướng điều trị ưu thế đối với những loại trĩ nội mức độ nhẹ và vừa (độ 1,2) có biểu hiện chảy máu khi đại tiện trên lâm sàng, hoặc những bệnh nhân đã thử điều trị nội khoa nhưng không đạt hiệu quả. Để thực hiện thủ thuật thắt búi trĩ, người ta phải sử dụng một loại ống chuyên dụng cho vào ống hậu môn để thắt búi trĩ bằng sợi vòng cao su.
Nguyên tắc thắt búi trĩ: búi trĩ bình thường có bản chất là sự giãn quá mức của hệ thống tĩnh mạch trĩ ở một vị trí nào đó (trên hoặc dưới đường răng lược). Tuy tĩnh mạch bị giãn nhưng nếu tuần hoàn vùng đó vẫn bình thường thì búi trĩ sẽ không bị ảnh hưởng gì thậm chí còn có nguy cơ to lên theo thời gian. Dựa vào đặc điểm đó, trong phương pháp thắt búi trĩ, người ta sẽ có mục tiêu là thắt chân búi trĩ làm cản trở dòng máu đến búi trĩ, khi không được nuôi dưỡng thì búi trĩ sẽ bị hoại tử dần rồi rơi ra ngoài. Người ta có thể lựa chọn thắt búi trĩ bằng vòng dây cao su nếu búi trĩ có chân dài dễ thắt. Trường hợp chân búi trĩ ngắn và gần hậu môn thì người ta có thể sử dụng chỉ y tế để thắt búi trĩ.
Phương pháp thắt búi trĩ có rất nhiều ưu điểm, nhưng không phải trường hợp nào cũng áp dụng được phương pháp này. Thắt búi trĩ có chống chỉ định trong những trường hợp sau:
- Trĩ ngoại, trĩ nội mức độ nặng (độ 3, 4), trĩ có nguy cơ gây biến chứng cao như trĩ huyết khối, tắc mạch,…
- Búi trĩ quá nhỏ hoặc căng khó thắt, chân búi trĩ không đủ nhỏ cũng không thắt được.
- Những bệnh nhân có bệnh toàn thân nguy hiểm kết hợp như rối loạn đông cầm máu, viêm nhiễm hậu môn trực tràng,… những trường hợp bệnh nhân như vậy nếu muốn thắt búi trĩ thì phải điều trị các bệnh lý ổn định trước khi thắt.
Xem thêm: Phẫu thuật cắt trĩ: Phương pháp, chi phí, cách chăm sóc bệnh nhân sau mổ
2. Quy trình thắt búi trĩ bằng vòng cao su được thực hiện như thế nào?
- Tư thế của bệnh nhân: có thể cho bệnh nhân quỳ gối tạo tư thế như đang bò để bộc lộ hậu môn tốt nhất. Trường hợp khác cần thực hiện lâu hơn bệnh nhân có thể bị mỏi nếu ở tư thế bò thì có thể cho bệnh nhân nằm nghiêng sang 1 bên sau đó co 1 chân lên để bộ lộ hậu môn.
- Kiểm tra tình trạng búi trĩ trước khi thực hiện thủ thuật: người thực hiện thủ thuật nên soi lại hậu môn trực tràng và thăm hậu môn bằng tay để đánh giá lại tình trạng búi trĩ thời điểm trước khi thực hiện thủ thuật. Việc khám này rất quan trọng vì búi trĩ có thể thay đổi rất nhanh trong quá trình tiến triển, nếu không biết tình trạng cụ thể thì rất dễ bỏ sót tổn thương hay thủ thuật thất bại.
- Vệ sinh vùng hậu môn: nên dùng cồn iod kết hợp với cồn 70 độ và nước muối sinh lý để vệ sinh đảm bảo sạch sẽ và vô khuẩn nhất có thể. Nếu vùng ống hậu môn còn nhiều phân có thể cho bệnh nhân thụt tháo trước khi thực hiện thủ thuật hoặc dùng gạc đẩy phân ngược lên trực tràng.
- Cho ống chuyên dụng vào hậu môn tiếp cận đến vị trí búi trĩ, sau đó dùng lực hút qua ống hút hướng búi trĩ vào ống, khi đó chân búi trĩ sẽ bộc lộ rõ ngay ngoài đầu ống. Dùng vòng cao su cho vòng quanh chân búi trĩ và thắt lại. Để cho bệnh nhân không bị đa quá nhiều thì người ta thường thắt búi trĩ ở vị trí trên đường lượng 4- 5mm vì vùng trên này ít thần kinh chi phối cảm giác. Để đạt hiệu quả cao nhất trong điều trị, người ta có thể thắt một lúc 2- 3 búi trĩ gần nhau trên đường lược.
- Kết hợp với thắt búi trĩ người ta có thể thực hiện luôn kỹ thuật điều trị khác như tiêm xơ vào búi trĩ.

3. Tiến triển của búi trĩ sau khi thắt
Thông thường, sau thắt khoảng 3- 4 ngày, búi trĩ bị thắt ở chân sẽ bị hoại tử dần vào rụng ra, làm mất búi trĩ ở thành ống hậu môn. Người ta có thể kiểm tra lại và thắt lần hai cho búi trĩ hết triệt để sau khoảng 3- 4 tuần sau lần thắt đầu tiên.
Một số trường hợp khác nết kỹ thuật thắt búi trĩ không đúng hay vòng cao su không chắc, chân búi trĩ không bị thất hoàn toàn thì máu vẫn có khả năng vào nuôi dưỡng búi trĩ, búi trĩ không bị hoại tử mà còn làm cho bệnh nhân bị đau nhiều. Những trường hợp này thì bắt buộc phải thực hiện lại kỹ thuật thắt búi trĩ cho bệnh nhân.
4. Các biến chứng có thể gặp sau khi thắt búi trĩ
Bất cứ phương pháp điều trị nào cũng có thể gây nên những biến chứng cho bệnh nhân. Dưới đây là một số biến chứng có thể gặp ở những bệnh nhân sau khi thắt búi trĩ:
- Đau: đây là một triệu chứng hay gặp, nhất là đối với những bệnh nhân có khả năng chịu đau kém. Trong quá trình búi trĩ hoại tử sẽ gây đau nhiều cho bệnh nhân. Đặc biệt là những búi trĩ ở vị trí sát đường lược sẽ đau nhiều hơn do vùng đó có nhiều đầu mút của dây thần kinh cảm giác.
- Chảy máu: khi búi trĩ hoại tử và rụng ra có thể gây chảy máu vùng chân búi trĩ. Những trường hợp có tình trạng viêm nhiễm thì nguy cơ bị chảy máu càng cao.
- Bí đái: do vùng bàng quang bị kích thích gây cho bệnh nhân cảm khác buồn tiểu nhưng không đi tiểu được.
- Nhiễm khuẩn vùng tầng sinh môn, hậu môn trực tràng: đây là một biến chứng do kỹ thuật sát khuẩn trước khi thực hiện thủ thuật không tốt hoặc vệ sinh sau phẫu thuật của bệnh nhân chưa tốt.
- Tắc mạch trĩ gây ảnh hưởng tới toàn bộ vùng ống hậu môn.
5. Cách chăm sóc người bệnh sau thắt búi trĩ
Chăm sóc sau khi thắc đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với việc hồi phục của bệnh nhân. Vì bản chất của quá trình hội phục phụ thuộc rất nhiều vào việc chăm sóc sau thắt. Dưới đây là một số cách chăm sóc cụ thể cho bệnh nhân sau khi thực hiện thủ thuật thắt búi trĩ:
- Sau khi thắt xong có thể cho bệnh nhân đi lại nhẹ nhàng để tránh các biến chứng do nằm lâu. Tuy nhiên tuyệt đối không được vận động mạnh hay vận động đi lại quá nhiều sẽ gây đau cho bệnh nhân.
- Trong 2, 3 ngày đầu sau thắt búi trĩ, mỗi khi mót đi đại tiện, bệnh nhân không nên cố gắng sức rặn luôn mà nên ngâm vùng hậu môn với nước ấm cho các cơ cũng như búi trĩ mềm ra rồi mới đi đại tiện. Việc này sẽ giúp cho bệnh nhân đỡ đau hơn khi đại tiện cũng như tránh làm cho búi trĩ bị tác động mạnh gây tuột vòng cao su.
- Chế độ ăn uống: trong thời gian chờ búi trĩ rụng ra ngoài, nên cho bệnh nhân ăn các loại thức ăn lỏng, ấm để dễ tiêu hóa hơn, phân mềm dễ đại tiện hơn. Không nên cho bệnh nhân ăn nhiều protein và các chất mỡ, không dùng chất kích thích.
- Nếu bệnh nhân có biểu hiện táo bón thì có thể cho bệnh nhân sử dụng các loại thuốc nhuận tràng nhẹ nhàng.
- Theo dõi bệnh nhân theo lời dặn của bác sĩ điều trị. Nếu bệnh nhân có các biểu hiện bất thường thì phải cho bệnh nhân đi khám lại ngay để được can thiệp kịp thời.
6. Chi phí thắt búi trĩ là bao nhiêu?
Hiện nay có rất nhiều cơ sở y tế cả công cũng như tư nhân có dịch vụ thắt búi trĩ. Tùy từ cơ sở sẽ có các mức giá khác nhau. Ngoài ra người ta còn phải phụ thuộc vào tình trạng, mức độ trĩ cũng như các bệnh liên quan của bệnh nhân để có những mức giá phù hợp. Giá dao động hiện nay khoảng 2.000.000 cho tới 5.000.000 đồng.
7. Các câu hỏi thường gặp
7.1. Thắt búi trĩ bao lâu thì khỏi?
Đây là một câu hỏi của bất cứ bệnh nhân nào cũng đặt ra. Thời gian để bệnh nhân hồi phục sau khi thắt cho đến khi khỏi cũng có thể dao động từ 1 tháng cho tới 3 tháng hoặc lâu hơn tùy từng người và mức độ bệnh. Tuy nhiên, khi loại bỏ hết búi trĩ bệnh nhân vẫn có thể bị tái phát nếu không duy trì một chế độ phòng bệnh hợp lý. Do đó việc sinh hoạt và ăn uống của bệnh nhân sau khi điều trị khỏi trĩ là vô cùng quan trọng.
7.2. Thắt búi trĩ có đau không?

Nếu nói đúng nhất thì phương pháp nào để điều trị trĩ cũng đau hết. Nhưng với các phương tiện hiện đại và kỹ thuật tiên tiến, thắt búi trĩ hiện nay có thể làm giảm đau nhiều nhất có thể cho bệnh nhân. Ngoài ra, người ta có thể dùng các loại thuốc gây tê hay giảm đau cho bệnh nhân khi thực hiện thủ thuật, điều này cũng giúp giảm đau rất hiệu quả, bệnh nhân thậm chí không cảm thấy đau đớn gì.
7.3. Thắt búi trĩ có cần ăn kiêng gì không?
Thực chất bệnh nhân không cần kiêng bất cứ thứ gì sau khi thắt búi trĩ cả. Nhưng để hiệu quả điều trị không bị ảnh hưởng nhiều thì vẫn nên cho bệnh nhân tránh các loại thức ăn khó tiêu và các chất kích thích.
7.4. Thắt búi trĩ có tái phát không?
Theo nhiều nghiên cứu thì tỷ lệ tái phát bệnh trĩ sau khi thắt búi trĩ chiếm khoảng 30- 40% các bệnh nhân sử dụng phương pháp điều trị này. Để ngăn ngừa búi trĩ tái phát, bạn cần chăm sóc vết thương sau khi phẫu thuật và thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt và các thói quen xấu có thể dẫn đến trĩ.
7.5. Nên thắt búi trĩ hay cắt búi trĩ?
Tùy thuộc vào những mức độ khác nhau cũng như nhu cầu của người bệnh mà người ta có thể lựa chọn phương pháp thắt búi trĩ hoặc cắt búi trĩ. Thắt búi trĩ thường được chỉ định với trĩ nội, cắt búi trĩ lại dùng với trĩ ngoại nhiều hơn. Những trường hợp trĩ mức độ nặng không thắt được cũng có thể xem xét cắt búi trĩ.
Trên đây là một số thông tin về phương pháp thắt búi trĩ để điều trị bệnh trĩ cho người bệnh. Đây là một phương pháp điều trị mà bất kỳ bệnh nhân nào cũng nên biết để tham khảo lựa chọn cách điều trị. Hy vọng qua bài viết này các bạn sẽ hiểu hơn về phương pháp này, hiểu hơn về trĩ và cách chăm sóc người bệnh sau khi thắt búi trĩ.
Xem thêm:
[Review] Cắt trĩ bằng phương pháp HCPT có tốt không, Chi phí bao nhiêu?
Phương pháp cắt trĩ Ferguson là gì? Ưu, nhược điểm, chi phí phẫu thuật
Khám trĩ ở đâu thì tốt nhất vậy?
Bạn có thể đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Đại học Y HN, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương nhé bạn