Bệnh trĩ là một căn bệnh ngày càng phổ biến hiện nay, do đó mà các phương pháp điều trị bệnh ngày càng đa dạng và hiện đại hơn. Tiêm xơ búi trĩ đang là một trong các phương pháp được nhiều người ưa chuộng hiện nay. Để hiểu rõ hơn về phương pháp này mời các bạn cùng tham khảo bài viết dưới đây của Hemono nhé.

1. Tiêm xơ búi trĩ là gì?
Tiêm xơ búi trĩ là phương pháp điều trị được lựa chọn hàng đầu cho những bệnh nhân bị trĩ nội. Bản chất của phương pháp này chính là đưa các chất là xơ hóa vào bên trong búi trĩ làm cho các búi trĩ bị xơ, thu nhỏ búi trĩ, đồng thời giúp chèn ép các tĩnh mạch trĩ để chúng có xu hướng dính vào nhau. Kết quả máu không lưu thông được đến tĩnh mạch khiến búi trĩ tự teo và rụng dần, từ đó cải thiện tình trạng bệnh trĩ cho bệnh nhân.
Tuy nhiên mỗi phương pháp điều trị đều mang các ưu điểm và những hạn chế khác nhau. Phương pháp tiêm xơ búi trĩ cũng có một số ưu nhược điểm như sau:
Ưu điểm:
- Thực hiện thuận tiện chỉ bằng một lần tiêm mà không cần mất nhiều thời gian điều trị của bệnh nhân.
- Không gây đau nhiều cho bệnh nhân.
- Không gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân.
- Sau khi thực hiện tiêm xơ búi trĩ, bệnh nhân hoàn toàn có thể xuất viện và chăm sóc tại nhà. Bệnh nhân có thể về nhà sau khi được theo dõi vài giờ tại cơ sở, bệnh viện sau khi tiêm xong.
- Không cần kiêng khem nhiều, bệnh nhân có thể ăn uống, hoạt động bình thường ngay ngày hôm sau khi tiêm.
- Tỷ lệ thành công cao.
- Chi phí tương đối thấp.
Nhược điểm:
- Phương pháp tiêm xơ búi trĩ có tỷ lệ tái phát bệnh cao.
- Tiêm trĩ nội sâu bên trong ống hậu môn nên việc kiểm soát hàm lượng thuốc cần tiêm cũng khó khăn hơn. Nhiều trường hợp nếu tiêm quá nhiều thuốc sẽ dễ gây ra biến chứng như trĩ bị xơ hóa tạo thành búi quá lớn, búi trĩ bị hoại tử hoặc chảy máu nhiều.
2. Chỉ định và chống chỉ định của phương pháp tiêm xơ búi trĩ
Chỉ định: Các bệnh nhân bị trĩ nội độ 1, độ 2, độ 3 và kích thước búi trĩ còn nhỏ.
Chống chỉ định:
- Trĩ nội độ 3 nhưng búi trĩ có kích thước quá to hoặc trĩ nội độ 4, trĩ hỗn hợp, trĩ ngoại, trĩ có biến chứng huyết khối.
- Bệnh nhân đang bị tình trạng bội nhiễm vùng hậu môn và xung quanh hậu môn.
- Những bệnh nhân bị các bệnh toàn thân nguy hiểm như rối loạn quá trình đông máu, bệnh suy giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể như HIV/ AIDS.
3. Quy trình tiêm xơ búi trĩ

Chuẩn bị:
- Phương tiện và dụng cụ bao gồm 01 bộ máy nội soi đường tiêu hóa dưới và một số dụng cụ can thiệp cơ bản như kim đốt cầm máu, đầu đốt bằng năng lượng nhiệt, kim tiêm, một hệ thống máy thở đặc hiệu và một số phương tiện gây mê kết hợp hồi sức khác.
- Thuốc dùng để tiêm xơ là Polidocanol, dung dịch PG 60 (Phenol và Glycerine),…
Về phía bệnh nhân cần phải:
- Giải thích rõ ràng cho người nhà của bệnh nhân hiểu về phương pháp điều trị và từ đó đồng ý thực hiện thủ thuật.
- Làm sạch và rỗng đường ruột của bệnh nhân bằng cách thụt tháo hết phần bằng thuốc thụt, dặn bệnh nhân đi tiểu trước khi bắt đầu tiêm xơ búi trĩ.
Các bước tiến hành:
- Bước đầu tiên cần thực hiện gây mê toàn thân cho bệnh nhân.
- Cho bệnh nhân nằm tư thế nghiêng sang bên trái, cẳng chân gập vuông góc với đùi, đùi gập vuông góc với bụng.
- Thăm khám đường hậu môn trực tràng để xác định vị trí tương quan và kích thước của búi trĩ.
- Dùng gel bôi trơn để bôi vào vùng hậu môn cũng như trong ống hậu môn. Mở rộng 2 bên mông để bộc lộ lỗ hậu môn sau đó đẩy ống đèn nội soi tiêu hóa vào ống trực tràng. Tiến hành bơm hơi để làm rõ phẫu trường, quan sát vùng niêm mạc trực tràng và xác định vị trí, bộc lộ gốc búi trĩ.
- Tiến hành tiêm thuốc gây xơ đặc hiệu vào vị trí gốc búi trĩ, một búi trĩ có thể tiêm từ 1, 2, 3 ml thuốc tùy theo kích thước của từng búi, sau đó rút kim ra. Nếu sau khi rút kim ra thấy chảy máu ở lỗ đâm kim thì dùng dao đốt nhiệt để cầm máu. Đối với những bệnh nhân bị trĩ hỗn hợp thì không nên tiêm xơ quá 3 búi trĩ trong một lần thực hiện. Tránh tiêm ở vị trí góc 12h, các lần tiêm khác nhau nên thực hiện cách nhau hai tuần lễ.
Theo dõi sau khi thực hiện thủ thuật:
- Ngay sau tiêm nên theo dõi kỹ các tình trạng như: toàn trạng, tuần hoàn, hô hấp, đau bụng, đau vùng vừa tiêm.
- Cho bệnh nhân dùng các loại thuốc giảm đau, nhuận tràng để cải thiện các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải.
4. Các biến chứng có thể gặp của tiêm xơ búi trĩ là gì?

Cũng như các phương pháp điều trị khác, tiêm xơ búi trĩ cũng có một số biến chứng như sau:
- Có một số trường hợp tiêm xơ bị đổ thuốc ra lòng trực tràng có thể làm cho bệnh nhân bị đau nhức nhiều, sốt cao, nhiều trường hợp nghiêm trọng hơn bệnh nhân có thể bị nước tiểu lẫn máu và viêm tiền liệt tuyến, viêm nhiễm vùng hậu môn trực tràng.
- Bệnh nhân bị dị ứng với thuốc gây xơ. Trường hợp này cần phải cấp cứu xử lý kịp thời cho bệnh nhân.
- Sau khi tiêm xơ, bệnh nhân có thể bị chảy máu nhiều do khi thực hiện thủ thuật có gây tổn thương đến động mạch chủ.
- Ở những người bị trĩ nội độ 3 sẽ thường gặp phải biến chứng là bị kích thích đại tiện thường xuyên.
- Nhiễm trùng cũng có thể xảy ra khi tiêm nhiều lần tại 1 điểm trên búi trĩ.
- Ngoài ra còn gặp một số biến chứng như áp xe niêm mạc trực tràng tại chỗ vùng tiêm xơ, áp xe tuyến tiền liệt,…
5. Cách dự phòng biến chứng sau tiêm xơ búi trĩ
Để tránh gặp phải những biến chứng đã kể trên của phương pháp điều trị này, các bệnh nhân nên lưu ý một số điểm sau:
- Chỉ nên sinh hoạt và làm các động nhẹ nhàng vào những ngày đầu sau khi thực hiện tiêm xơ búi trĩ. Theo lời khuyên của nhiều bác sĩ, bệnh nhân nên nhịn đi vệ sinh trong ngày đầu sau tiêm .
- Sau khi tiêm xơ nên theo dõi bệnh nhân khoảng 1-2 tiếng, nếu tình trạng bệnh nhân ổn định thì mới cho về nhà theo dõi tiếp. Nếu người bệnh cảm thấy choáng váng, đau đầu và mệt mỏi nhiều hơn thì nên để nằm nghỉ và theo dõi thêm cho đến khi ổn định mới được về.
- Trường hợp các bệnh nhân gặp phải tình trạng táo bón sau khi tiêm xơ nên uống thêm các loại thuốc nhuận tràng để đi đại tiện dễ hơn, tránh trĩ tái phát.
- Vệ sinh nhẹ nhàng và sạch sẽ hậu môn bằng nước ấm rồi dùng khăn mềm thấm khô sau khi đại tiện.
- Bệnh nhân nên bổ sung vào chế độ ăn thêm nhiều loại rau xanh, hoa quả, đồ mềm… để cung cấp nhiều chất xơ giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn và tránh được tình trạng táo bón.
- Bổ sung đủ lượng nước mỗi ngày: Bệnh nhân nên uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày.
- Sau khi tiêm xơ bệnh nhân nên tái khám sau đó khoảng 4-6 tuần.
6. Các câu hỏi thường gặp
6.1. Tiêm xơ búi trĩ có đau không?
Đây có lẽ là một câu hỏi chung của tất cả các bệnh nhân có ý định tiêm xơ búi trĩ. Đối với phương pháp này, nếu thực hiện đúng chính xác các bước và các thao tác bệnh nhân sẽ đau rất ít, thậm chí nhiều người còn không có cảm giác đau. Tuy nhiên nếu thuốc tiêm bị dây ra ngoài sẽ khiến cho bệnh nhân đau nhiều hơn.
6.2. Tiêm xơ búi trĩ có tốt không?
Tùy vào từng trường hợp mà có các phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả nhất. Tiêm xơ búi trĩ rất hiệu quả cho các trường hợp trĩ nội độ 1,2,3 và búi trĩ nhỏ nhưng lại không phù hợp cho các trường hợp trĩ ngoại hay những trường hợp chống chỉ định khác. Chính vì vậy mà trước khi thực hiện và lựa chọn thủ thuật người bác sĩ cần phải thăm khám cẩn thận và đưa ra phác đồ điều trị cụ thể cho từng bệnh nhân.

6.3. Tiêm xơ búi trĩ có lành không?
Tiêm xơ được coi là một phương pháp điều trị ít xâm lấn để điều trị bệnh trĩ. Do đó có thể coi đây là một phương pháp lành tính ít gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho bệnh nhân.
6.4. Tiêm xơ búi trĩ ở đâu tốt?
Hiện nay ở nước ta có rất nhiều cơ sở nhà nước cũng như tư nhân có triển khai thực hiện dịch vụ tiêm xơ búi trĩ. Do đó cũng có nhiều địa chỉ uy tín mọi người có thể lựa chọn. Một số cơ sở được nhiều bệnh nhân tin tưởng lựa chọn như:
Bệnh viện Việt Đức, bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh viện K, bệnh viện Xanh pôn, bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương,… Ngoài ra hiện nay cũng có nhiều cơ sở tư nhân của nhiều bác sĩ có kinh nghiệm cũng được nhiều người lựa chọn do đảm bảo tính riêng tư hơn.
6.5. Chi phí tiêm xơ búi trĩ là bao nhiêu?
Tùy từng cơ sở sẽ có các mức giá khác nhau được đưa ra cho phương pháp này. Hiện tại giá dịch vụ thường dao động trong khoảng vài trăm cho tới vài triệu đồng cho một đơn vị búi trĩ.
6.6. Tiêm xơ búi trĩ ngoại có được không?
Câu trả lời là không nên. Trĩ ngoại sẽ có các phương pháp điều trị đặc hiệu khác hiệu quả hơn như dùng thuốc bôi, cắt búi trĩ,… Tiêm xơ ở búi trĩ ngoại vừa ít hiệu quả vừa có nguy cơ cao gây biến chứng cho bệnh nhân.
6.7. Tiêm xơ búi trĩ 3 tuần rồi vẫn đau có sao không?
Như đã đề cập ở trên, thông thường tiêm xơ búi trĩ không gây đau nhiều cho bệnh nhân, hoặc nếu có đau bệnh nhân cũng rất nhanh khỏi. Nếu sau 3 tuần mà bệnh nhân vẫn cảm thấy đau vùng hậu môn trực tràng thì tốt nhất nên đến bác sĩ khám ngay để được phát hiện kịp thời các biến chứng của tiêm xơ. Có thể bệnh nhân đã gặp phải tình trạng dây thuốc tiêm ra ngoài lòng trực tràng. Khi đó bệnh nhân cần được xử trí sớm tránh các hậu quả nặng nề về sau.
Trên đây là một số thông tin về phương pháp tiêm xơ búi trĩ hiện nay ở nước tay. Hy vọng những thông tin trên sẽ bổ ích cho các bạn. Qua bài viết này mong các bạn sẽ hiểu rõ hơn về phương pháp này và có các cách lựa chọn phù hợp và hiệu quả nhé.
Xem thêm:
Phẫu thuật cắt trĩ: Phương pháp, chi phí, cách chăm sóc bệnh nhân sau mổ
Phương pháp thắt búi trĩ là gì, có đau không, bao lâu thì khỏi?
[Review] Cắt trĩ bằng phương pháp HCPT có tốt không, Chi phí bao nhiêu?
Phương pháp cắt trĩ Ferguson là gì? Ưu, nhược điểm, chi phí phẫu thuật