Bệnh trĩ (hay còn gọi là lòi dom) được biết đến là căn bệnh phổ biến hay gặp ở vùng hậu môn trực tràng. Và phẫu thuật ngoại khoa cắt búi trĩ là cách điều trị triệt để căn bệnh này. Trong đó phương pháp cắt trĩ Ferguson là một kỹ thuật kinh điển đã được áp dụng từ lâu và đem lại hiệu quả cao cho bệnh nhân. Bài viết dưới đây của Hemono sẽ giúp bạn hiểu hơn về phương pháp phẫu thuật cắt trĩ này.

1, Cắt trĩ theo phương pháp Ferguson là gì?
Kỹ thuật Ferguson (1959) là phương pháp cắt được cải tiến từ phương pháp Milligan Morgan (1937). Điểm khác biệt của kỹ thuật này đó là sau khi cắt búi trĩ, hai mép cắt sẽ được khâu lại. Đây là phương pháp phẫu thuật kín, cắt bỏ từng búi trĩ riêng rẽ, được thực hiện theo nguyên tắc thắt gốc, cắt búi trĩ, khâu kín lại các cầu da niêm mạc mở tại vị trí vết mổ
Mục đích của phương pháp là can thiệp ngoại khoa để loại bỏ hoàn toàn búi trĩ, điều trị dứt điểm cho bệnh nhân và có thể giảm thiểu được những biến chứng sau phẫu thuật. Kỹ thuật cắt này có thể khắc phục nhược điểm dễ chảy máu, lâu lành vết mổ so với phương pháp Milligan.
2, Đối tượng chỉ định và chống chỉ định của phương pháp Ferguson
Chỉ định
- Những trường hợp trĩ nặng,trĩ độ 3, độ 4, sa trĩ, có hay không có tắc mạch,
- Trĩ hỗn hợp
- Trĩ độ 2 chảy máu nhiều, hoặc đã điều trị nội khoa hoặc các phương pháp nhưng vẫn còn sa và chảy máu
- Trĩ kèm theo các bệnh khác ở hậu môn như nứt hậu môn mãn, rò hậu môn…
Chống chỉ định
- Trĩ là triệu chứng do tăng áp lực tĩnh mạch cửa..
- Người đang có các bệnh lý như hẹp ống hậu môn, viêm loét trực tràng, sa toàn bộ trực tràng
- Bệnh nhân có bệnh nội khoa về tim mạch mà chưa được điều trị ổn định, đái tháo đường chưa kiểm soát, lao…
- Bệnh nhân có rối loạn đông máu, đang dùng thuốc chống đông.
- Bệnh nhân có bệnh nên nặng, không đủ sức tham gia cuộc phẫu thuật.
3, Kỹ thuật cắt trĩ Ferguson thực hiện như thế nào?

- Trước khi phẫu thuật bác sĩ cần giải thích rõ cho người bệnh nguy cơ, tai biến có thể xảy ra trong và sau phẫu thuật, thực hiện các xét nghiệm cần thiết theo quy định.
- Tối trước ngày phẫu thuật người bệnh nhịn ăn từ 22h đêm.
- Thụt tháo phân trước mổ 30 đến 60 phút để đại trực tràng sạch phân.
- Ngày phẫu thuật: Nhịn ăn uống, đi vệ sinh trước khi vào phòng phẫu thuật.
- Chuẩn bị dụng cụ phẫu thuật: Bộ dụng cụ phẫu thuật hậu môn, máy cắt nối tự động, dao điện, máy hút, chỉ phẫu thuật, gel bôi trơn, dung dịch sát khuẩn, xanh methylen, betadine…
- Chuẩn bị thầy thuốc: 1 người mổ chính và 1 người phụ mổ.
- Tư thế bệnh nhân : Người bệnh nằm ở tư thế phụ khoa, đùi dạng, háng và gối gấp, mông kéo ra khỏi rìa bàn 10 đến 15 cm.
- Phương pháp vô cảm cho bệnh nhân: gây tê tủy sống.
- Sau đó tiến hành nong hậu môn, bộc lộ các búi trĩ.
- Đặt van Hill- Ferguson (là van bán nguyệt) với mục đích che phần còn lại của ống hậu môn trực tràng, giúp bộc lộ rõ búi trĩ.
Các bước phẫu tích búi trĩ:
- Tiêm Xylocain có Adrenalin pha loãng để dễ phẫu tích bóc tách. Sau đó rạch vòng quanh búi trĩ bằng dao thường hình Elip, ở phía dưới ngay vùng rìa hậu môn, phía trên ngang mức gốc búi trĩ. Phẫu tích bóc tách túi trĩ từ da tới niêm mạc hậu môn trực tràng khỏi lớp cơ trong tới gốc búi trĩ. Khâu thắt gốc búi trĩ bằng chỉ chậm tiêu (thường dùng loại Vicryl 2.0) sau đó cắt bỏ búi trĩ.
- Tiến hành khâu đóng mép cắt từ trong ra ngoài, khâu từ niêm mạc trực tràng tới niêm mạc hậu môn, kết thúc ở rìa hậu môn. Có thể dùng sợi chỉ thắt cuống trĩ đóng kín hoàn toàn vết mổ bằng đường khâu vắt, phần vết mổ ngoài hậu môn đóng bằng đường khâu vắt trong da hoặc mũi rời.
- Thường bắt đầu với búi trĩ ở hướng 3h, sau đó là các búi trĩ hướng 8h và 11h
- Sau khi đã cắt hết các búi trĩ, tiến hành kiểm tra xem vết mổ còn chảy máu không, hậu môn có bị hẹp không. Có thể băng hậu môn bằng 1 miếng băng có tác dụng cầm máu ép nhẹ lên vết mổ
4, Sau khi cắt trĩ người bệnh được theo dõi và chăm sóc như thế nào?
Sau mổ 24 giờ đầu, người bệnh cần ở lại cơ sở y tế để được các y bác sĩ theo dõi hậu phẫu, tiên lượng nguy cơ biến chứng
Theo dõi:
- Sau mổ trĩ khi gây tê hết tác dụng người bệnh rất đau, các bác sĩ sẽ nhận định và đánh giá mức độ đau, thực hiện thuốc giảm đau theo giờ, thoa thuốc giảm đau tại chỗ, hướng dẫn thư thế nằm ngửa giảm đau.
- Trong 24 giờ đầu sau mổ cần được đánh giá số lượng máu chảy mỗi 2 đến 4 giờ qua gạc cầm máu, máu thấm băng
- Nhận định tình trạng vết mổ có bị sưng nề, ứ dịch, mùi, màu sắc…
Bên cạnh đó, người bệnh cũng sẽ được hướng dẫn chăm sóc toàn thân, sử dụng thuốc sau mổ và hướng dẫn chăm sóc vệ sinh vết mổ.
Chăm sóc hậu phẫu:
Bệnh nhân sẽ được kê kháng sinh: thường dùng kháng sinh nhóm nitroimidazol, nhóm kháng sinh tác dụng tốt với vi khuẩn kỵ khí như metronidazole (biệt dược Flagyl), ornidazol (biệt dược Tiberal). Ngoài ra còn kết hợp thêm một số kháng sinh phổ rộng thuộc nhóm Cephalosporin như Ceftazidime, Basultam… hoặc kháng sinh nhóm Quinolon như Ciprofloxacin, Levofloxacin
Người bệnh có thể dùng Paracetamol để giảm đau, hoặc kết hợp thêm thuốc thuộc nhóm NSAID để giảm đau, giảm viêm như Mobic, Voltaren.
Dùng thuốc kháng sinh trong vòng 5 đến 7 ngày, có thể dùng giảm đau Paracetamol và NSAIDs trong 3 ngày đầu, những ngày sau nếu còn đau nhiều tiếp tục dùng Paracetamol. Trong ngày đầu tiên, bệnh nhân thường được chỉ định dùng theo đường tiêm, từ ngày thứ 2 dùng đường uống. Bệnh nhân có thể được kê thêm thuốc nhuận tràng để tránh táo bón. Người bệnh có thể bắt đầu ăn lại sau 12 giờ sau khi mổ.
Chăm sóc tại chỗ: Giữ sạch vết mổ, rửa sạch hậu môn và thấm khô sau khi đi đại tiện, thực hiện thay băng hằng ngày bằng betadine 10%. Trong vài ngày đầu sau mổ không nên ngâm rửa hậu môn để tránh bục đường khâu da niêm mạc.
5, Ưu, nhược điểm của phương pháp cắt trĩ Ferguson

Ưu điểm:
- Đây là kỹ thuật được cải tiến từ phương pháp Milligan Morgan và là một kỹ thuật phổ biến hiện nay. Phương pháp này có thể áp dụng điều trị với hầu hết các loại trĩ có chỉ định, đặc biệt là những trường hợp nặng.
- Là phương pháp cắt trĩ kín, dựa trên nguyên lý cắt riêng biệt từng búi trĩ một nên sẽ làm giảm các tác động từ bên ngoài, không làm lộ vùng da và niêm mạc phía bên ngoài.
- Ít gặp tình trạng chảy máu sau phẫu thuật do vết thương đã được khâu cầm máu chủ động.
- Chăm sóc sau mổ đơn giản, hiệu quả, dễ thực hiện. Nếu thực hiện chăm sóc sau mổ đúng nguyên tắc thì vết mổ sẽ liền nhanh, ít xảy ra tình trạng nhiễm trùng và áp xe sau mổ. Sau mổ bệnh nhân có thể sớm trở về sinh hoạt và làm việc bình thường.
- Có thể loại bỏ túi trĩ tận gốc, tỷ lệ tái phát sau mổ thấp vì đã cắt và khâu kín tận gốc búi trĩ.
- Không tốn nhiều chi phí phẫu thuật như các phương pháp khác.
Nhược điểm
- Vì đây là phương pháp xâm lấn trực tiếp nên sẽ gây đau nhiều cho bệnh nhân, người bệnh cần phải sử dụng thuốc giảm đau nhiều. Ngoài ra nếu bác sĩ tay nghề không vững có thể làm xâm lấn các mô bên cạnh trong quá trình phẫu thuật.
- Có thể gây bí đái trong thời gian ngắn, nguyên nhân là do đau nhiều hoặc là hậu quả của phương pháp vô cảm gây tê tủy sống.
- Có thể gặp các biến chứng như hẹp hậu môn. Nguyên nhân là do quá trình phẫu tích có thể phải khâu cầm máu, đốt điện nhiều làm hoại tử cầu da niêm mạc, hoặc cắt mất nhiều niêm mạc do búi trĩ to, lúc khâu sẽ dễ làm hẹp hậu môn.
- Ngoài ra cũng có thể gặp mất tự chủ hậu môn như trong những phương pháp phẫu thuật cắt trĩ khác.
6, Sau mổ trĩ bằng phương pháp Ferguson người bệnh cần lưu ý những gì
Để việc phẫu thuật đạt được hiệu quả như mong muốn, người bệnh cũng cần lưu ý chăm sóc sức khỏe và vệ sinh vùng hậu môn như sau:
- Dùng thuốc tại nhà đúng theo chỉ định của bác sĩ, vệ sinh hậu môn vết mổ thường xuyên và đúng cách, nhất là sau khi đi đại tiện để tránh nhiễm trùng, viêm nhiễm vùng được phẫu thuật.
- Sau khi đi đại tiện nên sử dụng giấy mềm để tránh đau và chảy máu, tốt nhất nên rửa bằng nước sạch.
- Sau khi đã phẫu thuật 2 ngày thì có thể ngâm rửa hậu môn 2 đến 3 lần 1 ngày, nhưng thời gian ngâm không được quá lâu. Ngâm bằng nước ấm có thể giúp giảm đau và thoải mái hơn, sau ngâm cần lau khô vùng hậu môn
- Ngoài ra người bệnh cũng cần thay đổi chế độ sinh hoạt:
- Vận động nhẹ nhàng, tránh mang vác nặng để búi trĩ không có cơ hội phục hồi.
- Hạn chế ngồi nhiều, đứng lâu, làm gia tăng áp lực cho hậu môn.
- Tập thói quen đi vệ sinh đúng giờ, không nên ngồi quá lâu khi đi vệ sinh, không nên rặn mạnh, sẽ tạo áp lực lên vùng hậu môn trực tràng. Nếu tình trạng táo bón kéo dài cần đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn sử dụng thuốc nhuận tràng
- Thay đổi thói quen ăn uống:
- Bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, hoa quả tươi, thực phẩm có tính nhuận tràng như khoai,chuối…
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, vì uống đủ nước sẽ giúp làm mềm phân, tránh tình trạng táo bón.
- Hạn chế ăn những đồ ăn cay nóng vì rất dễ gây nóng trong dẫn đến táo bón.
- Hạn chế sử dụng rượu bia, các chất kích thích, đặc biệt là trong giai đoạn hậu phẫu vì sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh

7, Giải đáp một số câu hỏi thường gặp
7.1. Cắt trĩ bằng phương pháp Ferguson có đau không?
Câu trả lời là có. Vì đây là phương pháp phẫu thuật kín, can thiệp trực tiếp vào bên trong hậu môn để cắt bỏ búi trĩ, nên sau phẫu thuật sẽ đau nhiều và kéo dài. Tuy nhiên có thể cải thiện được tình trạng đau bằng cách nằm ngửa, kết hợp sử dụng các loại thuốc hỗ trợ giảm đau như Paracetamol, các thuốc giảm đau chống viêm NSAID như Mobic, Voltaren.
7.2. Phương pháp này có gây chảy máu nhiều không?
Điểm khác biệt của phương pháp Ferguson là sau khi cắt búi trĩ, phẫu thuật viên sẽ khâu chủ động các cầu da niêm mạc tại vị trí vết mổ. Bước khâu này sẽ giúp cầm máu cho bệnh nhân, giảm thiểu tình trạng chảy máu sau phẫu thuật. Trên thực tế, tình trạng chảy máu sau phẫu thuật khi cắt trĩ bằng phương pháp Ferguson gặp rất ít.
7.3. Sau phẫu thuật bằng phương pháp Ferguson bao lâu thì khỏi?
Vết mổ đã được khâu chắc chắn và kiểm tra lại trước khi kết thúc phẫu thuật, nên với phương pháp này vết mổ sẽ phục hồi nhanh nếu không bị viêm nhiễm. Khoảng 5-7 ngày sau mổ bệnh nhân có thể cắt chỉ và coi như khỏi bệnh. Trong thowfi gian sau mổ, bệnh sau mổ cần chú ý thay băng vết mổ ngày 1 lần tại các cơ sở y tế, vệ sinh vùng hậu môn trước khi thay băng và sau khi đi đại tiện, vệ sinh thường xuyên khoảng 3 lần 1 ngày. Việc tuân thủ đúng quy tắc chăm sóc hậu phẫu sẽ giúp người bệnh nhanh hồi phục hơn
7.4. Phẫu thuật bằng phương pháp Ferguson ở đâu tốt?
Hiện nay kỹ thuật Ferguson rất phổ biến mà đề đang được thực hiện tại các bệnh viện, người bệnh có thể dễ dàng tìm được nơi điều trị. Tuy nhiên người bệnh nên lựa chọn các cơ sở uy tín, có nhiều bác sĩ tay nghề cao, để tránh các biến chứng như hẹp hậu môn, xâm lấn các mô lành. Và lựa chọn nơi có dịch vụ tốt để có thể ở lại theo dõi sau khi cuộc mổ kết thúc.
7.5. Chi phí phẫu thuật bằng phương pháp Ferguson là bao nhiêu?
Hiện nay không thể đánh giá chính xác được chi phí cho một cuộc phẫu thuật do còn phụ thuộc vào tình trạng bệnh, độ phức tạp và số lượng búi trĩ. Tuy nhiên phương pháp Ferguson có ưu điểm là chi phí thực hiện thấp hơn các phương pháp khác, các bước chăm sóc hậu phẫu cũng đơn giản, ít tốn kém hơn. Người bệnh có thể lựa chọn các cơ sở tư nhân để được dịch vụ chăm sóc chu đáo, hoặc có thể lựa chọn phẫu thuật theo bảo hiểm y tế sẽ giúp giảm nhiều chi phí.

7.6. Có nên phẫu thuật cắt trĩ bằng phương pháp Ferguson?
Phương pháp cắt trĩ Ferguson hiện nay đang được áp dụng tại nhiều bệnh viện khác nhau vì hiệu quả đạt được và những ưu điểm mà nó mang lại như dễ áp dụng với nhiều loại trĩ, ít chảy máu, nhanh hồi phục và chi phí thấp. Tuy nhiên so với những phương pháp mới hiện nay, thì kỹ thuật này cũng còn nhiều nhược điểm như gây đau lâu, kéo dài. Do đó bạn nên tham khảo sự tư vấn của bác sĩ trước khi cân nhắc lựa chọn phương pháp phẫu thuật này.
Trên đây là các thông tin cần biết khi tìm hiểu về phương pháp cắt trĩ Ferguson. Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm các phương pháp phẫu thuật cắt trĩ khác dưới đây:
Phẫu thuật cắt trĩ: Phương pháp, chi phí, cách chăm sóc bệnh nhân sau mổ
Phương pháp cắt trĩ Ferguson là gì? Ưu, nhược điểm, chi phí phẫu thuật
Tiêm xơ búi trĩ là gì? Ưu, nhược điểm của phương pháp này
Phương pháp thắt búi trĩ là gì, có đau không, bao lâu thì khỏi?