[Giải đáp] Bà bầu bị táo bón có dùng được thuốc thụt hậu môn không?

Táo bón là tình trạng hay gặp của hệ tiêu hóa, có thể gặp ở bất cứ ai và ở bất kì độ tuổi nào, đặc biệt những phụ nữ đang mang thai lại rất hay bị tình trạng này. Có nhiều phương pháp khác nhau để cải thiện táo bón, và dùng thuốc thụt là cách hay được sử dụng và đem lại hiệu quả nhanh nhất. Nhưng câu hỏi đặt ra là bà bầu bị táo bón có được dùng thuốc thụt hay không? Bài viết dưới đây của Hemono sẽ giúp bạn tìm được câu trả lời.

[Giải đáp] Bà bầu bị táo bón có dùng được thuốc thụt không?
[Giải đáp] Bà bầu bị táo bón có dùng được thuốc thụt không?

1, Vì sao bà bầu hay bị táo bón?

Táo bón là tình trạng khó khăn khi đi đại tiện, đi ít hơn 3 lần một tuần và thường xuyên gặp tình trạng phân bị khô và cứng. Và nếu tình trạng này kéo dài trên 12 tuần, sẽ được coi là  táo bón mạn tính. Táo bón sẽ làm bạn phải rặn nhiều hơn mỗi lần đi vệ sinh và nếu tình trạng này thường xuyên xảy ra có thể dẫn đến hậu quả như: nứt kẽ hậu môn, trĩ, sa trực tràng…

Phụ nữ mang thai rất hay bị táo bón, đặc biệt là trong 3 tháng cuối với nhiều nguyên nhân khác nhau:

  • Do hormone nội tiết thay đổi: Progesterone tăng lên trong quá trình mang thai, hormon này sẽ giúp làm giãn cơ, giúp giảm bớt sự khó chịu cho cơ thể mẹ bầu, nhưng đồng thời cũng làm giảm nhu động ruột, làm chậm hoạt động của hệ tiêu hóa gây ra táo bón.
  • Mẹ bầu bị nôn nghén nhiều: Trong giai đoạn đầu của quá trình mang thai, mẹ bầu có biểu hiện nôn nghén, điều này có thể làm cho mẹ bầu bị mất nước, khiến cho phân khô cứng hơn bình thường. Hoặc khi mẹ bị nghén ăn trong 3 tháng đầu, cơ thể không được nạp đầy đủ chất cũng làm hoạt động của hệ tiêu hóa bị trì trệ, khó khăn trong việc tạo phân.
  • Tử cung và thai nhi chèn ép: Sự phát triển của tử cung khi thai nhi lớn dần sẽ dẫn đến tình trạng tử cung chiếm không gian trong ổ bụng, chèn ép vào hệ thống tiêu hóa, dẫn đến tình trạng thức ăn di chuyển chậm, tiêu hóa chậm hơn.
  • Lười vận động: Vào cuối thai kỳ, khi bụng bầu đã to và nặng, tay chân sưng đau sẽ làm cho mẹ bầu lười vận động. Giảm vận động sẽ làm giảm nhu động của ruột, dẫn đến táo bón.
  • Sử dụng nhiều Canxi và Sắt: Canxi và sắt là hai chất cần bổ sung trong quá trình mang thai, giúp cho quá trình tạo máu và phát triển xương ở trẻ. Tuy nhiên nếu mẹ sử dụng quá nhiều sắt và canxi cũng có thể gây ra táo bón.
  • Việc lạm dụng sử dụng thuốc nhuận tràng liều cao cũng sẽ dễ dẫn đến tình trạng táo bón khi ngưng sử dụng thuốc. Khi quá lạm dụng thuốc, cơ thể sẽ quen dần với thuốc và mất đi phản xạ mót đại tiện.

Ngoài ra những nguyên nhân như chế độ ăn nhiều thịt ít chất xơ, nạp quá nhiều chất khiến cơ thể không kịp tiêu hóa và hấp thụ, thói quen nhịn đi vệ sinh… cũng sẽ dẫn đến tình trạng táo bón ở mẹ bầu.

Khi bị táo bón lâu ngày, sẽ khiến các mẹ bầu khó đi ngoài, đau rát hậu môn, tăng nguy cơ bị trĩ, sa trực tràng và đặc biệt trong 3 tháng cuối thai kỳ có thể dẫn đến tình trạng sinh non, sảy thai và ảnh hưởng đến sự phát triển của bé… Vì vậy giải quyết tình trạng táo bón  là việc được rất nhiều bà bầu quan tâm.

Vì sao bà bầu hay bị táo bón?
Vì sao bà bầu hay bị táo bón?

2, Thuốc thụt táo bón là gì? Tác dụng của các loại thuốc bơm trong điều trị táo bón

Thuốc thụt hậu môn hẳn không còn quá xa lạ với những người thường xuyên bị táo bón. Loại thuốc này được dùng trong những trường hợp cấp bách để giải quyết nhanh chóng tình trạng táo bón. Thuốc thường ở dưới dạng gel hoặc dung dịch, được đựng trong một tuýp nhựa chuyên dụng để dễ dàng bơm thuốc được vào trong trực tràng.

Mỗi loại thuốc thụt tùy vào thành phần mà sẽ có những cơ chế tác dụng khác nhau. Những chất thường có mặt trong thành phần cấu tạo của thuốc thụt hậu môn có thể kể đến như nước, glycerin, hoặc muối khoáng của Natri, photpho…

  • Muối khoáng chứa natri, photphat,… là dạng thuốc nhuận tràng hoạt động theo cơ chế thẩm thấu, có tác dụng giúp kéo và giữ nước vào trong lòng ruột, làm giảm độ cứng của phân, tăng hoạt động co bóp của ruột giúp đẩy phân ra ngoài.
  • Glycerin giúp là mềm phân và giữ độ ẩm cho niêm mạc, từ đó giúp quá trình thải phân diễn ra dễ dàng hơn mà không gây tổn thương niêm mạc.
  • Nước giúp làm giảm độ cứng, tăng thể tích của phân để kích thích hạch giao cảm, tạo cảm giác muốn đi ngoài

Tác dụng của thuốc thụt táo bón:

Sau khi được bơm qua hậu môn vào đến trực tràng, thuốc sẽ kích thích hoạt động của nhu động ruột, tăng co bóp và tạo cảm giác buồn đi ngoài để kích thích quá trình đào thải phân. Thuốc cũng giúp làm mềm phân, giúp cho việc đi ngoài dễ dàng hơn, không gây tổn thương cho niêm mạc trực tràng và hậu môn.

Thuốc thụt táo bón mang đến hiệu quả nhanh chóng, giúp giải quyết ngay lập tức tình trạng khó khăn khi đại tiện của bạn. Tuy nhiên vì là thuốc bơm trực tiếp vào cơ thể nên thuốc có thể gây ra những tác dụng phụ như:gây kích ứng niêm mạc đại tràng, gây co thắt đại tràng quá mức, tăng natri, photphat, hạ canxi máu, toan máu, dị ứng với các thành phần của thuốc…

3, Bà bầu bị táo bón có dùng được thuốc thụt?

Nên hay không nên dùng thuốc thụt táo bón cho bà bầu
Nên hay không nên dùng thuốc thụt táo bón cho bà bầu

Trên thực tế, sử dụng thuốc thụt để trị táo bón không phải là lựa chọn tốt nhất cho mẹ bầu, vì thuốc thụt hậu môn có thể mang đến những nguy cơ như:

  • Một số thành phần của thuốc thụt có thể gây hại cho bé, nếu mẹ sử dụng thường xuyên trong 3 tháng đầu có thể dẫn đến tình trạng nhiễm độc thai nghén, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi hoặc dẫn đến sảy thai.
  • Sử dụng thuốc trong thời gian dài sẽ gây tình trạng toan máu, tăng natri, photpho máu, hạ canxi máu, kích ứng niêm mạc đại tràng…Và khi lạm dụng thuốc có thể dẫn đến tình trạng mất cảm giác, phản xạ buồn đi ngoài.
  • Trong 3 tháng cuối, thuốc có thể làm tăng co bóp đại tràng, kích thích tử cung, gây chuyển dạ sớm.

Tuy nhiên nếu trong trường hợp tình trạng táo bón kéo dài, các phương pháp điều trị khác không đem lại hiệu quả, táo bón làm tổn thương niêm mạc và nứt kẽ hậu môn của mẹ và tình trạng thai nhi ổn định, bạn có thể cân nhắc sử dụng phương pháp thụt. Khi ấy thuốc thụt hậu môn sẽ giúp bạn giải quyết nhanh chóng tình trạng khó chịu do phân bị dồn nén lâu ngày trong trực tràng gây ra. Tuy nhiên bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

4, Các loại thuốc thụt táo bón có thể sử dụng cho bà bầu

Các loại thuốc thụt khi sử dụng đảm bảo an toàn cho mẹ và bé có thể kể đến như:

Thuốc thụt dầu khoáng: Bạn có thể tìm mua trên thị trường với tên gọi dầu Parafin.

Parafin có nguồn gốc từ dầu lửa, gồm nhiều hidrocacbon no, dạng lỏng. Khi vào hậu môn, thuốc sẽ bao phủ khối phân, làm khối phân trở nên mềm, trơn và đồng thời cũng giúp bôi trơn niêm mạc hậu môn trực tràng. Nhờ đó mà quá trình thải phân sẽ dễ dàng hơn.  Vì vậy parafin thích hợp để điều trị táo bón, những trường hợp cần thụt tháo phân.

Thuốc thụt hậu môn có thành phần chính là glycerin: Các biệt dược như Rectiofar, Stiprol…

  • Dung dịch bơm trực tràng Rectiofar

Với thành phần chính là glycerin, thuộc nhóm đại tràng thẩm thấu, có tác dụng làm ẩm phân và hút nước vào trong đại tràng,hỗ trợ gây trơn. Vì thành phần chỉ gồm glycerin và nước tinh khiết, thuốc sẽ đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé, không gây kích thích hay co thắt đại tràng đột ngột.

Mỗi lần có thể sử dụng từ 1-2 ống 5ml tùy từng người. Không nên sử dụng thuốc nếu mẹ bầu có biểu hiện dị ứng với glycerin, trĩ cấp,…

  • Gel Stiprol

Khác với Rectiofar, Stiprol là thuốc thụt dạng gel có thành phần chính là glycerin cùng tá dược, cũng có tác dụng giúp làm mềm phân và hút nước vào lòng ruột. Ngoài ra thuốc ở dạng gel nên khả năng làm trơn sẽ tốt hơn Rectiofar. Liều dùng của stiprol là 1-2 typ/lần, tối đa 6 tuyp trong vòng 24 giờ.

Một số loại thuốc thụt hậu môn dùng được cho bà bầu
Một số loại thuốc thụt hậu môn dùng được cho bà bầu

Thuốc thụt táo bón thành phần chứa natri docusate: Tên biệt dược có thể kể đến như Docusol Mini, Enemeez Mini, Vacuant Mini- Enerma…

Natri docusate có tác dụng kéo nước vào lòng ruột, giúp làm tăng lượng nước trong phân, làm mềm phân, giúp cho quá trình đại tiện dễ dàng. Thuốc không gây kích thích hay tăng co bóp nhu động ruột nên thích hợp sử dụng cho bà bầu vào 3 tháng cuối thai kỳ.

Thuốc thụt trực tràng chứa Natri phosphate: Fleet Enema, Golistin Enema, Clisma Lax…

Tương tự như natri docusate, natri phosphat cũng hoạt động theo cơ chế kéo và giữ nước vào trong lòng ruột giúp tăng lượng nước trong phân và làm mềm phân, không gây vận động ruột mạnh, an toàn cho bà bầu.

Thuốc thụt táo bón có thành phần chính là sorbitol: Trên thị trường có bán các loại như Microlax, Bibonlax adults…

Sorbitol là thuốc nhuận tràng hoạt động theo cơ chế thẩm thấu, rút nước trở lại lòng ruột, ngoài ra còn kích thích tiết ra cholecystokinin – pancreazymin, có khả năng kích thích tăng nhu động ruột, giúp đẩy phân ra ngoài. Sorbitol cho tác dụng nhanh, chỉ 15 đến 20 phút khi thụt. Nên trong những trường hợp khẩn cấp mẹ bầu có thể cân nhắc giữa lợi và hại khi sử dụng thuốc chứa Sorbitol.

Bà bầu có thể sử dụng thuốc thụt Microlax khi bị táo bón
Bà bầu có thể sử dụng thuốc thụt Microlax khi bị táo bón

5, Những bà bầu nào không nên dùng thuốc thụt hậu môn?

Nếu mẹ bầu có một trong các biểu hiện sau đây thì không nên sử dụng thuốc thụt hậu môn:

  • Mẹ bầu đang mang thai 3 tháng đầu, hay ốm nghén, thai nhi phát triển chưa ổn định.
  • Mẹ bầu đang gặp các tình trạng như rau tiền đạo, tiền sản giật, tăng huyết áp, tiểu đường thai kỳ, thai đa ối, thiểu ối… những trường hợp có nguy cơ cao bị dọa sinh non hoặc dọa sảy thai.
  • Đang gặp các tình trạng liên quan đến hệ tiêu hóa như viêm ruột thừa, viêm đại tràng, rò hậu môn, trĩ cấp…
  • Khi cơ thể đang trong tình trạng bị đau bụng, buồn nôn,…
  • Cơ thể mẫn cảm dễ bị dị ứng với các thành phần của thuốc.

6, Những lưu ý khi sử dụng thuốc thụt điều trị táo bón cho bà bầu

Thuốc thụt hậu môn sẽ giúp bạn đi ngoài dễ dàng hơn, giảm bớt khó chịu do phân bị tồn đọng trong cơ thể quá lâu. Tuy nhiên thuốc thụt có thể không an toàn cho mẹ và bé, nên khi các mẹ bầu sử dụng thuốc thụt cần lưu ý những điều sau:

  • Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định sử dụng thuốc thụt, hãy dùng thuốc theo đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Thuốc thụt chỉ nên được xem là giải pháp cuối cùng khi các cách điều trị khác không đem lại hiệu quả.
  • Sau khi bơm thuốc vào hậu môn trực tràng, cố gắng giữ thuốc trong vòng 5 đến 10 phút từ khi xuất hiện cảm giác muốn đi ngoài. Sau 10 phút bạn có thể đi, lúc này thuốc sẽ phát huy được tác dụng hiệu quả tốt nhất.
  • Khi đi vệ sinh xong cần vệ sinh sạch sẽ hậu môn bằng nước ấm để giảm đau rát.
  • Không sử dụng thuốc liên tục trong 7 ngày vì có thể gây tăng natri, photphat và hạ canxi huyết, toan máu, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé
  • Khi sử dụng thuốc thụt không nên dùng thêm các thuốc lợi tiểu hay các thuốc có thể gây ảnh hưởng đến điện giải của cơ thể.
  • Thuốc thụt chỉ là giải pháp tạm thời nên sau đó bạn cần cải thiện chế độ ăn và sinh hoạt để hạn chế tình trạng táo bón xảy ra thường xuyên. Tích cực bổ sung thực phẩm giàu chất xơ, sữa chua, men vi sinh và uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Bổ sung các thực phẩm giàu sắt và canxi, giảm liều sử dụng thuốc uống để bổ sung canxi. Ngoài ra cũng kết hợp vận động, tập thể dục nhẹ nhàng để tăng cường vận động của hệ tiêu hóa.
  • Cần ngưng sử dụng thuốc ngay khi thấy dấu hiệu bất thường của cơ thể như đau bụng, buồn nôn, đau đầu, tim đập nhanh, chóng mặt… Đó có thể là tình trạng cho thấy bạn đang gặp tác dụng phụ của thuốc, sử dụng thuốc quá liều hoặc bị dị ứng với thuốc.

7, Cách điều trị táo bón cho bà bầu không dùng thuốc thụt hậu môn

Massage bụng là biện pháp đơn giản giúp bà bầu đi ngoài khi bị táo bón
Massage bụng là biện pháp đơn giản giúp bà bầu đi ngoài khi bị táo bón

Cách giúp bà bầu bị táo bón đi ngoài nhanh: để đi ngoài dễ dàng hơn, bà bầu có thể thực hiện một số biện pháp như:

  • Lấy tay xoa nhẹ vùng quanh rốn theo chiều kim đồng hồ. Mục đích của phương pháp này chính là kích thích nhu động ruột tăng hoạt động, làm tăng đẩy phân và dễ đi ngoài hơn. Tuy nhiên phương pháp này chỉ nên áp dụng với bà bầu đã mang thai trên 3 tháng và khi thực hiện cần nhẹ nhàng để tránh tác động mạnh lên thai nhi.
  • Trước khi đi đại tiện, bà bầu có thể ngâm hậu môn trong nước muối ấm để làm thư giãn cơ hậu môn, giúp cho việc đi ngoài dễ dàng hơn.

Một số biện pháp cải thiện tình trạng táo bón cho bà bầu khác như:

  • Chế độ ăn giàu chất xơ, bổ sung nước đầy đủ hàng ngày, có thể thay thế bằng nước ép rau củ quả,..
  • Bổ sung men vi sinh, lợi khuẩn, ví dụ như bà bầu nên ăn nhiều sữa chua,…
  • Đi bộ, tập thể thao đều đặn là biện pháp đơn giản giúp giảm táo bón ở phụ nữ mang thai
  • Ngoài ra, bà bầu có thể tham khảo thêm biện pháp bấm huyệt chữa táo bón rất tốt

Bà bầu cũng cần chú ý tuyệt đối không rặn khi đi ngoài do có thể gây tăng áp lực lên thành bụng và tử cung, gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi.

8, Giải đáp một số câu hỏi thường gặp

8.1. Mẹ bầu có nên sử dụng thuốc thụt hậu môn trước khi sinh không?

Theo các bác sĩ, việc thụt hậu môn trước khi vào sinh sẽ giúp làm giảm nguy cơ bà bầu đi đại tiện trong khi sinh. Việc này sẽ giúp đảm bảo an toàn và sạch sẽ, giảm nguy cơ nhiễm trùng cho cả mẹ và bé trong quá trình sinh. Thụt hậu môn trước khi sinh cũng làm giảm cảm giác khó chịu cho mẹ, giúp tâm lý của mẹ thoải mái, có thể tập trung vào việc lấy hơi rặn, nhờ đó mà quá trình chuyển dạ có thể diễn ra dễ dàng hơn.

Thông thường khi vào viện, các bác sĩ sẽ hỏi tình trạng đại tiện và lượng phân đi lần gần nhất của bạn. Sau đó căn cứ vào tình trạng mỗi người sẽ quyết định xem bạn có cần thụt hậu môn không. Tuy nhiên để được chủ động và không tốn thời gian, bạn có thể thực hiện thụt hậu môn trước ở nhà khi có dấu hiệu đau đẻ.

8.2. Dùng thuốc thụt hậu môn có cải thiện được hoàn toàn tình trạng táo bón của bà bầu không?

Dùng thuốc thụt hậu môn có cải thiện hoàn toàn tình trạng táo bón của bà bầu không?
Dùng thuốc thụt hậu môn có cải thiện hoàn toàn tình trạng táo bón của bà bầu không?

Thuốc thụt hậu môn là phương pháp giúp giải quyết tình trạng cấp bách của mẹ bầu, giúp mẹ đi ngoài ngay sau khi dùng thuốc. Chỉ sử dụng thuốc thụt sẽ không thể cải thiện được tình trạng táo bón vì đây là thuốc điều trị triệu chứng. Để cải thiện được tình trạng này, bạn cần phải thay đổi chế độ ăn, bổ sung chất xơ, men vi sinh và nước, cũng cần tăng hoạt động để kích thích nhu động ruột. Và nếu lo lắng cho tình trạng sức khỏe của mẹ và bé, bạn có thể đến khác tại phòng khám sản hoặc gặp các bác sĩ về tiêu hóa để được tư vấn sử dụng thuốc phù hợp.

Như vậy qua bài viết trên chúng tôi đã giúp bạn giải đáp một số thắc mắc về việc bà bầu bị táo bón có sử dụng thuốc thụt được không. Hy vọng bài viết của chúng tôi đã mang đến cho bạn những thông tin bổ ích để bạn có thể cân nhắc và lựa chọn giải pháp hợp lý nhất khi bản thân gặp tình trạng này.

Xem thêm:

Bà bầu bị táo bón có nên rặn không | Biện pháp khắc phục và phòng tránh

Ngày viết: