Trĩ nội là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị & phòng ngừa

Trĩ nội
Ảnh: Trĩ nội

Trĩ nội là gì?

Trĩ nội là một phân loại của bệnh trĩ, cùng với trĩ ngoại. Hai loại này được phân biệt với nhau nhờ vị trí của búi trĩ nằm trong hay ngoài trực tràng. Ở trong thì gọi là trĩ nội, và ở ngoài gọi là trĩ ngoại. Nếu có búi trĩ ở cả trong và ngoài thì gọi là trĩ hỗn hợp. Trong bài viết này, chúng ta chỉ quan tâm đến trĩ nội.

Trĩ nội là trĩ có búi trĩ xuất phát từ bên trong trực tràng. Trĩ nội được chia ra làm 4 độ thể hiện mức độ nặng của bệnh:

Các cấp độ trĩ nội
Ảnh: Các cấp độ trĩ nội
  • Trĩ nội độ I: Búi trĩ nằm gọn trong trực tràng, có thể chảy máu khi đi ngoài nhưng thường không đau và không có hiện tượng sa búi trĩ.
  • Trĩ nội độ II: Khi căng thẳng, hay rặn khi đi ngoài có thể khiến búi trĩ lòi ra ngoài nhưng ngay sau đó nó có thể tự trở về vị trí ban đầu trong trực tràng mà không cần dùng lực tác động từ tay để đẩy vào.
  • Trĩ nội độ III: Khi căng thẳng, rặn khi đi ngoài có thể khiến búi trĩ lòi ra ngoài và nó không thể tự trở về vị trí ban đầu trong trực tràng mà cần dùng lực tác động từ tay để đẩy vào.
  • Trĩ nội độ IV: Các búi trĩ nội nằm ở ngoài trực tràng mọi lúc và không thể dùng lực tác động để đẩy nó vào được. Đây là phân độ trĩ nội nặng nhất.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân gây trĩ nội
Ảnh: Nguyên nhân gây trĩ nội

Trĩ nội và trĩ ngoại nói chung có cùng nguyên nhân và yếu tố nguy cơ. Các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ nhìn chung thường tương đồng nhau và khó tách biệt rạch ròi. Tuy nhiên đây không phải là vấn đề quá quan trọng. Các nguyên nhân gây ra bệnh trĩ được liệt kê dưới đây chỉ giúp các bạn tham khảo:

  • Đại tiện ngồi lâu (như sử dụng điện thoại, đọc sách báo khi đang đại tiện).
  • Căng thẳng (hay rặn) quá mức khi đi đại tiện.
  • Những người có bệnh lý đường ruột mạn tính gây tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài.
  • Các tình trạng sinh lý hoặc bệnh lý gây ra sự tăng áp lực trong ổ bụng: phụ nữ có thai, người béo phì, người phải nâng vật nặng.
  • Chế độ ăn quá ít chất xơ (liên quan đến táo bón).

Các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh trĩ dưới đây chỉ giúp các bạn tham khảo:

  • Quan hệ tình dục qua đường hậu môn.
  • Tuổi cao dẫn đến lão hóa các đệm hậu môn và mô liên kết, làm tăng nguy cơ bị trĩ ở người già.
  • Tiền sử gia đình có người thân bị trĩ (đặc biệt là bố hoặc mẹ) cũng có thể được xếp vào yếu tố nguy cơ gây ra bệnh trĩ.

Triệu chứng

Triệu chứng của trĩ nội
Minh họa: Triệu chứng của trĩ nội

Các triệu chứng của trĩ nội khi thường không phổ biến, thường xảy ra khi đi ngoài có căng thẳng, bao gồm:

  • Chảy máu không đau khi đi đại tiện: Bạn có thể nhận thấy một lượng máu nhỏ trong bồn cầu hoặc trên giấy vệ sinh. Khi tình trạng chảy máu trở nên nặng hơn, máu có thể chảy nhỏ giọt hoặc bắn thành tia.
  • Trĩ có thể lòi ra ngoài hậu môn, có thể có đau, ngứa và kích thích.

Một số biến chứng có thể gặp với trĩ nội:

  • Thiếu máu: Thiếu máu mạn tính có thể xảy ra do mất máu. Triệu chứng diễn biến một cách âm thầm và từ từ, các triệu chứng biểu hiện ra bên ngoài rõ nhất là da xanh xao, môi và niêm mạc nhợt, không còn hồng hào như trước, móng tay khum và dễ gãy, tóc dễ rụng. Người dễ mệt mỏi do thiếu số lượng hồng cầu đưa máu đến các cơ quan.
  • Nhiễm trùng: Khi các vi khuẩn từ phân vào máu, người bệnh có thể gặp phải một tình trạng nguy hiểm, gọi là nhiễm trùng huyết. Đây là tình trạng cần điều trị nội khoa ngay. Nhưng có một điều may mắn là biến chứng này rất hiếm gặp.
  • “Nghẹt” trĩ: Nếu nguồn cung cấp máu cho trĩ nội bị cắt đứt, trĩ có thể bị nghẹt và gây đau đớn cực độ. Đây là tình huống cần xử trí ngay lập tức.
  • Cục máu đông: Đôi khi, cục máu đông có thể hình thành trong trĩ nội và gây ra một tình trạng được gọi là “trĩ huyết khối”. Trĩ huyết khối có thể không nguy hiểm nhưng gây ra đau đớn cực kỳ và cần được can thiệp phẫu thuật.

Điều trị

Trước khi điều trị, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chẩn đoán xác định bằng cách soi trực tràng, cùng với một số xét nghiệm hoặc thủ thuật khác (trong quá trình thực hiện có thể bệnh nhân sẽ được cho sử dụng thuốc tê Benzocain hoặc Lidocain để giảm khó chịu). Đồng thời xem xét phân loại tình trạng trĩ nội để đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.

Điều trị không dùng thuốc

Đầu tiên, khi bệnh còn nhẹ, bệnh nhân bao giờ cũng được bác sĩ khuyên điều trị theo hướng không dùng thuốc trước.

Bệnh nhân sẽ được khuyên thay đổi lối sống:

Tập thể dục thường xuyên có lợi cho người bị trĩ nội
Ảnh: Tập thể dục thường xuyên có lợi cho người bị trĩ nội
  • Tăng cường bổ sung chất xơ trong chế độ ăn, đi kèm với uống nhiều nước. Điều này sẽ giúp phân mềm hơn, không bị cứng và khi đi đại tiện sẽ giảm bớt cảm giác đau đớn. Nếu lượng chất xơ từ thức ăn không thể cung cấp đủ, nên xem xét dùng thực phẩm bổ sung thay thế.
  • Tránh căng thẳng, gây áp lực khi đi đại tiện. Để làm được điều này thì cần phải áp dụng những biện pháp làm phân mềm hơn.
  • Tránh sử dụng rượu bia, các đồ uống có cồn khác, thuốc lá và các chất kích thích nói chung.
  • Tập thể dục thường xuyên, tránh ngồi lâu.
  • Vệ sinh hậu môn sạch sẽ.
  • Tránh dùng các thuốc có thể gây táo bón hoặc tiêu chảy.

Điều trị dùng thuốc

Nitroglycerine và Nifedipine: Một thuốc là nitrates hữu cơ cung cấp NO (nitric oxide) gây giãn mạch, thuốc còn lại là thuốc chẹn kênh calcium nhóm dẫn xuất dihydropyridine (DHP), cả hai thuốc này đều có thể được sử dụng để làm giảm các triệu chứng khó chịu do co thắt cơ hậu môn. Tuy nhiên, việc sử dụng chúng bị hạn chế do các tác dụng không mong muốn có thể gặp phải khi sử dụng như đau đầu, đỏ bừng mặt, tụt huyết áp do giãn mạch quá mức.

Hydrocortisone: Corticoid này có thể được sử dụng để giảm các triệu chứng gây khó chịu trong trĩ nội như đau và ngứa. Tuy nhiên không nên sử dụng thuốc kéo dài vì các tác dụng bất lợi tiềm ẩn có thể gặp phải.

Kháng sinh tại chỗ: Có thể được sử dụng để phòng ngừa nhiễm trùng.

Điều trị bằng thủ thuật

Chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc một số thủ thuật được sử dụng trong điều trị trĩ nội hiện nay. Các thủ thuật này hầu như chỉ sử dụng khi trĩ nội ở mức độ nhẹ.

Thắt dây cao su

Phương pháp này sử dụng một vòng cao su để thắt gốc búi trĩ và ngăn chặn dòng máu đến nuôi búi trĩ. Thiếu máu nuôi dưỡng cục bộ làm búi trĩ teo dần. Phương pháp này được áp dụng khi trĩ nội còn ở ở mức độ nhẹ, độ I-II.

Chích xơ tĩnh mạch

Phương pháp này sử dụng các chất gây xơ để làm ngăn cản dòng máu đến nuôi búi trĩ (mục đích tương tự như phương pháp thắt dây cao su). Các chất gây xơ thường được sử dụng để tiêm vào búi trĩ là Polidocanol, Natri tetradecyl sulfate, Phenol… Các chất này sẽ được tiêm vào lớp hạ niêm của mô trĩ. Phạm vi ứng dụng của phương pháp này trong điều trị trĩ nội cũng tương tự như phương pháp thắt dây cao su.

Đông máu hồng ngoại

Phương pháp này sử dụng tia hồng ngoại làm đông máu, các mô trĩ không còn được cấp máu nữa sẽ không được nuôi dưỡng, bị xơ hóa và hoại tử. So với phương pháp chích xơ tĩnh mạch, đông máu hồng ngoại ít gây biến chứng và sai sót trong thực hiện thủ thuật hơn chích xơ tĩnh mạch, vì nó ít phụ thuộc vào kỹ thuật của bác sĩ hơn. Phương pháp này được sử dụng chủ yếu cho trĩ nội độ I, II và đôi khi là độ III.

Điều trị ngoại khoa

Phẫu thuật ngoại khoa chữa trĩ nội
Minh họa: Phẫu thuật ngoại khoa chữa trĩ nội

Phẫu thuật cắt trĩ được áp dụng với trĩ nội nặng, hoặc điều trị bằng thủ thuật thất bại, hoặc bệnh nhân gặp phải biến chứng. Phẫu thuật cắt trĩ là phương pháp hiệu quả nhất trong điều trị bệnh trĩ, với tỷ lệ tái phát trĩ thấp nhất, nhưng bù lại, nó lại là phương pháp có tỷ lệ đau hậu phẫu cao hơn đáng kể so với các thủ thuật ở trên. Phẫu thuật cắt trĩ thường được chỉ định cho trĩ nội độ III hoặc IV.

Can thiệp ngoại khoa có thể là phẫu thuật cắt trĩ cổ điển, hoặc phẫu thuật longo… Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thuốc giảm đau (như Paracetamol) để giảm khó chịu sau phẫu thuật.

Phòng ngừa

Cách tốt nhất để phòng ngừa trĩ nội nói riêng và bệnh trĩ nói chung là luôn giữ cho phân mềm để đại tiện dễ dàng.

Một số mẹo nhỏ sau đây có thể giúp bạn phòng ngừa bệnh trĩ hay giảm các triệu chứng khó chịu của bệnh:

Bổ sung đủ chất xơ ngăn ngừa trĩ nội
Ảnh: Bổ sung đủ chất xơ ngăn ngừa trĩ nội
  • Ăn các thực phẩm chứa nhiều chất xơ: Ăn nhiều trái cây, rau củ quả và ngũ cốc nguyên hạt. Chất xơ giúp phân mềm và tăng thể tích phân, giúp tránh được sự căng thẳng khi đi đại tiện có thể gây ra bệnh trĩ. Bổ sung chất xơ vào chế độ ăn của bạn từ từ để tránh một số vấn đề có thể xảy ra với đường tiêu hóa.
  • Uống nhiều nước: Uống nhiều nước giúp phân mềm hơn và đi đại tiện dễ dàng hơn. Có thể sử dụng các chất lỏng khác để uống thay nước (ví dụ như nước ép hoa quả, nước luộc rau…) nhưng tuyệt đối không sử dụng đồ uống có cồn như rượu bia. Lượng nước tối thiểu mà một người nên uống trong một ngày là 400 mL nước cho mỗi 10 kg thể trọng.
  • Cân nhắc bổ sung chất xơ từ nguồn bên ngoài: Hầu hết mọi người không ăn đủ lượng chất xơ cần thiết hàng ngày – khoảng 20-30 g/ngày với một người trưởng thành khỏe mạnh bình thường. Bạn có thể sử dụng các thực phẩm chức năng bổ sung chất xơ để thay thế cho lượng chất xơ từ thức ăn.
  • Nếu bạn sử dụng thực phẩm bổ sung chất xơ từ bên ngoài, hãy đảm bảo uống đủ nước.
  • Không căng thẳng (rặn) khi đi đại tiện: Căng thẳng và cố gắng dùng sức để rặn phân khi đi đại tiện có thể dẫn đến tăng áp lực trong ổ bụng và có thể gây nên bệnh trĩ.
  • Đi ngoài ngay khi có dấu hiệu “buồn” đi: Nếu nhịn đi ngoài trong một thời gian dài, phân ở lâu trong đại tràng sẽ bị khô và cứng hơn do hiện tượng tái hấp thu nước. Lúc này, phân cứng càng làm cho đi đại tiện trở nên khó khăn hơn và người ta sẽ càng nhịn đại tiện nhiều hơn.
  • Tập thể dục: Hoạt động thể lực thường xuyên giúp ngăn ngừa táo bón và giảm áp lực ổ bụng, điều mà có thể xảy ra khi ngồi một chỗ trong một thời gian dài. Tập thể dục cũng có thể giúp bạn giảm cân và có thể góp phần vào phòng ngừa bệnh trĩ, do béo phì cũng được coi là một nguyên nhân (hoặc yếu tố nguy cơ) của bệnh.
  • Tránh ngồi lâu: Ngồi quá lâu, đặc biệt là sử dụng điện thoại hoặc đọc sách báo trong nhà vệ sinh, hoặc với các công việc có đặc thù phải ngồi lâu như người làm việc văn phòng, áp lực trong ổ bụng có thể tăng và góp phần vào nguyên nhân gây ra bệnh trĩ.

Xem thêm:

[Giải đáp] Bệnh trĩ uống thuốc có hết không?

Top 6 bài tập chữa bệnh trĩ đơn giản, hiệu quả tại nhà

Ngày viết:

One thought on “Trĩ nội là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị & phòng ngừa

  1. ngocphan0608 says:

    dạo này thấy nhiều người trĩ quá, cảm ơn ad đã chia sẻ các cách ngăn ngừa bệnh trĩ

Comments are closed.