Khi bạn bị táo bón, đi ngoài ra máu thì chắc hẳn bạn sẽ nghĩ ngay đến bệnh trĩ. Tuy nhiên, có thể bạn không biết có một bệnh triệu chứng rất dễ bị nhầm lẫn với bệnh trĩ, đó là polyp hậu môn. Hãy cùng các chuyên gia của Hemono tìm hiểu xem căn bệnh này có nguy hiểm không và cách điều trị như thế nào nhé!

1. Polyp hậu môn là gì?
Thuật ngữ “Polyp” hẳn là còn khá xa lạ đối với rất nhiều người, nhưng khối u có lẽ đa phần mọi người đều biết. Polyp là sự phát triển mô bất thường, tuy không phải là u nhưng polyp có hình dáng gần giống với khối u. Nó có thể có cuống (giống cây nấm) hoặc không có cuống.
Có 2 loại polyp chính là tân sinh và không tân sinh. Polyp không tân sinh bao gồm polyp tăng sản, polyp có mô đệm và polyp viêm. Những loại polyp này thường không phát triển thành ung thư. Polyp tân sinh bao gồm u tuyến và loại có răng cưa. Nhìn chung, một polyp càng lớn thì nguy cơ ung thư càng cao, đặc biệt là polyp tân sinh.
Polyp có thể phát triển ở những nơi bao gồm: đại tràng, cổ tử cung, họng, tử cung, mũi, ống tai… và hậu môn. Khác với các loại polyp ở vị trí khác, polyp hậu môn có thể di chuyển được trong đường ruột.
Đa phần polyp hậu môn đều lành tính (có nghĩa là không phải ung thư). Nhưng bởi bản chất của chúng là sự phát triển bất thường của tế bào nên cuối cùng chúng có thể trở thành ác tính hoặc ung thư.
Mặc dù Polyp hậu môn thường không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng của bệnh nhân nhưng ngoài gây khó chịu nó còn ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người bệnh. Hơn nữa, theo thống kê của Bộ Y tế, khoảng 80% bệnh nhân mắc ung thư đại trực tràng được tiến triển từ polyp hậu môn.
Vậy nên khi xuất hiện những triệu chứng của căn bệnh này, người bệnh cần đi khám ngay để được chữa trị kịp thời.
2. Những biến chứng nguy hiểm của Polyp hậu môn
Thông thường, polyp hậu môn đa số là lành tính nên không gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nếu được can thiệp kịp thời. Bên cạnh đó vẫn có những trường hợp polyp ác tính, nếu không điều trị kịp thời nó có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm:
- Nhiễm trùng hậu môn: Khi polyp không được điều trị hiệu quả, các polyp có thể sa ra ngoài cùng dịch nhầy hậu môn kèm theo môi trường dễ nhiễm trùng ở hậu môn có thể khiến tình trạng viêm nhiễm hậu môn trở nên nghiêm trọng.
- Ung thư hậu môn: Ung thư hậu môn có thể xảy ra nếu polyp có kích thước lớn, không có biện pháp điều trị hợp lý khiên nó chuyển sang mạn tính.
- Sa trực tràng: Khi xuất hiện nhiều polyp hoặc polyp kích thước quá lớn sẽ làm giãn niêm mạc. Theo thời gian, phần niêm mạc này sẽ tách khỏi bề mặt cơ, sa xuống rất giống với sa búi trĩ.
Những biến chứng này sẽ khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, tự ti, đau đớn, trường hợp hiếm hoi có thể khiến ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân.

3. Nhận biết triệu chứng Polyp hậu môn
Bệnh nhân mắc Polyp hậu môn thường không thể chẩn đoán chính xác thông qua các triệu chứng lâm sàng. Một số người bị polyp hậu môn thường có các triệu chứng như:
- Đại tiện ra máu: Máu có thể xuất hiện dưới dạng vệt đỏ trong phân hoặc làm cho phân có màu đen. Tuy vậy, sự thay đổi màu sắc cũng có thể do thuốc, thực phẩm và chất bổ sung gây ra.
- Thay đổi thói quen đại tiện: Táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài hơn 1 tuần cũng có thể cho thấy sự hiện diện của polyp hậu môn.
- Đau rát, chảy máu hậu môn: Trong những trường hợp polyp lớn, kèm theo táo bón liên tục có thể khiến người bệnh bị chảy máu và đau rát hậu môn. Nhiều khi bệnh nhân còn thấy đau buốt khi đi đại tiện.
- Ngoài hậu môn có khối thịt mềm: khối thịt mềm này xuất hiện khi người bệnh đã gặp biến chứng sa trực tràng. Nó sẽ khiến người bệnh cảm thấy rất bất tiện, khó chịu và muốn loại bỏ nó ngay lập tức.
- Cơ thể suy nhược: Người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, suy nhược do thiếu máu bởi chảy máu do polyp có thể xảy ra từ từ theo thời gian. Chảy máu mạn tính cướp đi lượng sắt cần thiết trong cơ thể để sản xuất Hemoglobin. Kết quả là gây thiếu máu do thiếu sắt.
Khi bạn thấy sự xuất hiện của những triệu chứng này cũng là lúc bạn cần đi kiểm tra sức khỏe ngay để có biện pháp xử trí kịp thời.
4. Nguyên nhân dẫn đến Polyp hậu môn
Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác hình thành polyp hậu môn. Polyp có thể xảy ra khi các tế bào phát triển và phân chia nhiều hơn bình thường và bất kỳ ai cũng có thể bị polyp hậu môn. Nhưng một số nguyên nhân khiến bạn có nhiều khả năng mắc chúng hơn bao gồm:
- Di truyền: Trong một gia đình, nếu bố (hoặc mẹ) mắc polyp hậu môn thì tỷ lệ mắc bệnh này ở con cái của họ rất cao. Và khi một bệnh nhân mắc polyp do nguyên nhân di truyền thì tỷ lệ tiến triển ác tính của polyp này rất lớn.
- Viêm nhiễm hậu môn: Vì một lý do nào đó, chẳng hạn như: táo bón, áp xe hậu môn, quan hệ tình dục qua hậu môn… có thể khiến cho hậu môn bị viêm nhiễm, tổn thương nghiêm trọng. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển bệnh polyp hậu môn.
- Chế độ ăn uống không hợp lý: Chế độ ăn chứa acid cholic hàm lượng cao, không đảm bảo vệ sinh thực phẩm, hay gồm nhiều chất gây kích thích như: rượu bia, thuốc lá…
- Sự xâm nhập của vi khuẩn lao: Lao ruột có thể tấn công làm tổn thương đường ruột làm tăng nguy cơ mắc polyp hậu môn.
5. Chẩn đoán Polyp hậu môn
Mặc dù đa phần polyp hậu môn đều lành tính, nhưng nếu nó phát triển thành ác tính và nặng nề nhất là gây ung thư hậu môn thì đây thực sự là một căn bệnh nguy hiểm. Vậy đâu là phương pháp giúp chẩn đoán chính xác polyp lành tính hay ác tính?
Ngoài ra người bệnh có thể được chỉ định làm thêm một số xét nghiệm như: Xét nghiệm máu trong phân, soi đại tràng sigma… để chẩn đoán thêm chính xác.
6. Cách điều trị Polyp hậu môn
Điều trị Polyp hậu môn còn phụ thuộc vào các yếu tố: polyp có phải ung thư không, kích thước của nó là bao nhiêu, tìm thấy bao nhiêu polyp… Tuỳ vào những yếu tố này, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp nhất với người bệnh, các phương pháp này bao gồm:
6.1. Điều trị ngoại khoa
Cách tốt nhất để điều trị polyp hậu môn là cắt bỏ chúng. Đa phần những polyp này sẽ được cắt bỏ trong quá trình nội soi. Sau đó các polyp sẽ được kiểm tra để xác định xem polyp đó là loại gì và liệu chúng có tế bào ung thư nào không.
Tuy nhiên, bệnh nhân có thể cần phẫu thuật để loại bỏ polyp nếu kích thước của chúng quá lớn và không thể cắt bỏ trong quá trình nội soi. Hầu hết các trường hợp điều này có thể được thực hiện bằng phẫu thuật nội soi. Đây là loại phẫu thuật xâm lấn tối thiểu sử dụng một ống nội soi dài, mỏng với ánh sáng cường độ lớn và camera có độ phân giải cao gắn ở phía trước. Sau đó bác sĩ sẽ loại bỏ polyp bằng một công cụ đặc biệt.
Phẫu thuật nội soi tuy an toàn, giúp người bệnh giảm thiểu tối đa những rủi ro gây ra bởi phương pháp mổ hở nhưng phương pháp này cũng khiến người bệnh đau bụng sau quá trình phẫu thuật hoặc nôn mửa trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, một phương pháp xâm lấn tối thiểu khác cũng đang được ưa chuộng hiện nay nhờ khắc phục được những nhược điểm trên là HCPT. Phương pháp này loại bỏ polyp nhờ áp dụng nguyên lý sinh nhiệt của điện trường dưới tác dụng của sóng cao tần. Ưu điểm nổi trội của phương pháp này là giảm tỷ lệ biến chứng của polyp hậu môn.
Vậy sau khi cắt polyp hậu môn, bệnh có tái phát không? Câu trả lời là có. Với polyp đại tràng, tỷ lệ tái phát có thể lên tới 25-30% sau lần cắt bỏ đầu tiên. Vì vậy, sau khi cắt bỏ polyp hậu môn người bệnh cần sử dụng thuốc và theo dõi bệnh thường xuyên.
6.2. Điều trị nội khoa
Khi bệnh nhân mắc polyp hậu môn giai đoạn nhẹ, kích thước của polyp nhỏ (nhỏ hơn 2cm) và chưa lan rộng, người bệnh có thể được chỉ định sử dụng thuốc thay vì phẫu thuật cắt bỏ chúng.
Một số thuốc bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân bao gồm: thuốc kháng viêm, thuốc đặt hậu môn, thuốc giảm đau… Những loại thuốc này có thể khiến người bệnh tiêu viêm, ức chế sự phát triển của polyp, đồng thời giúp người bệnh cảm thấy bớt đau đớn hơn.
Tuy vậy, quá trình sử dụng thuốc cần kiên trì và tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị do bác sĩ đưa ra, bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý thay đổi loại thuốc.
7. Polyp hậu môn và trĩ có giống nhau không?
Bệnh nhân thường nhầm lẫn giữa bệnh Polyp hậu môn và bệnh trĩ bởi chúng có quá nhiều điểm tương đồng. Dễ gây nhầm lẫn nhất là khi polyp hậu môn biến chứng sa trực tràng.Tuy nhiên, trong khi bệnh trĩ xuất hiện với rất nhiều triệu chứng thì polyp hậu môn lại diễn ra khá “âm thầm”, do đó polyp hậu môn được gọi là bệnh trĩ không triệu chứng.

Triệu chứng thường gặp nhất ở trĩ là chảy máu, khi người bệnh phát hiện máu thường chảy thành tia hoặc thành giọt. Còn với polyp hậu môn mặc dù có đi ngoài ra máu nhưng hiếm khi máu chảy thành tia hay thành giọt.
Ngoài ra, người mắc bệnh trĩ còn có các biểu hiện khác như: đau tăng dần (từ đau ít đến rất đau), sưng vùng xung quanh hậu môn, ngứa hậu môn…
Vì vậy, khi thấy bản thân xuất hiện những triệu chứng tương tự với trĩ, bạn không nên sử dụng những bài thuốc dân gian hay tự ý mua thuốc về uống mà nên đến bệnh viện hoặc cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được khám và chẩn đoán chính xác.
8. Chi phí cắt Polyp hậu môn
Chi phí cắt hậu môn còn tùy thuộc vào tình trạng bệnh và phương pháp sử dụng để cắt polyp (HCPT, nội soi…). Kích thước polyp càng lớn, phương pháp cắt bỏ càng hiện đại thì chi phí phải bỏ ra càng lớn. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế đều có các dịch vụ với các mức giá khác nhau.
Với phương pháp nội soi, người bệnh có thể phải trả từ 600.000 – 1.200.000 VNĐ/ 1 polyp. Còn nếu thực hiện cắt polyp hậu môn bằng phương pháp xâm lấn tối thiểu HCPT thì giá dao động khoảng 7.000.000 – 10.000.000 VNĐ. Mức giá này chưa bao gồm bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm xã hội.
Hy vọng những thông tin trên đây sẽ đem lại những kiến thức về Polyp hậu môn hữu ích cho bạn đọc!
Xem thêm các bài viết liên quan:
Nứt kẽ hậu môn mãn tính: Nguyên nhân, Biện pháp điều trị ngay tại nhà