Rò hậu môn là gì? Có tái phát không? Một số lưu ý

1, Rò hậu môn là gì?

Rò hậu môn là một bệnh lý phổ biến ở vùng hậu môn. Theo thống kê tính tới thời điểm hiện tại, rò hậu môn đã và đang trở thành bệnh lý phổ biến thứ hai trong nhóm bệnh lý vùng hậu môn – trực tràng. Bệnh mắc phải không ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng của bệnh nhân, tuy nhiên bệnh có thể gây trở ngại lớn tới cuộc sống và các sinh hoạt khác của người bệnh.

Rò hậu môn còn được gọi với tên khác là mạch lươn, là bệnh lý mà trong vùng hậu môn – trực tràng của người bệnh hình thành một đường hầm gọi là đường dò.  Đường rò hậu môn thường là đường nối giữa da vùng hậu môn với một ổ nhiễm trùng (apxe) không được điều trị dứt điểm tạo nên. Cấu tạo của đường dò gồm những tổ chức dạng hạt, kéo dài dọc theo đường dò, trong đó những tổ chức hạt trên là kết quả của quá trình nhiễm khuẩn mạn tính gây nên.

Rò hậu môn là gì?
Rò hậu môn là gì?

2, Nguyên nhân rò hậu môn

Nguyên nhân chính của bệnh lý rò hậu môn thường xuất phát từ những ổ apxe không được xử lý đúng cách. Những ổ apxe do vi khuẩn tích tụ được coi là giai đoạn cấp tính, nếu không được xử lý đúng quy trình hoặc đúng cách sẽ dẫn đến giai đoạn mạn tính – hiện tượng rò hậu môn. Vậy để hạn chế rò hậu môn do ổ apxe, cần tìm hiểu rõ nguyên nhân gây ra ổ apxe và hướng điều trị đúng. Ổ nhiễm khuẩn (apxe) chủ yếu được hình thành do sự tắc nghẽn các tuyến bã vùng hậu môn, tại vị trí tắc nghẽn vi khuẩn tập trung và tích tụ, vỡ dần và lan ra bên ngoài, đến vùng da hậu môn gây lỗ rò thông ra ngoài.

Hầu hết các lỗ rò hậu môn đều có nguồn gốc từ các ổ apxe không được chữa trị đúng cách. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm gặp, các bệnh lý khác cũng có thể gây nên tình trạng rò hậu môn như sau:

  • Những người mắc phải bệnh lý viêm mãn tính đường ruột như: Crohn… cũng có thể gây biến chứng rò hậu môn. Ở những bệnh nhân mắc Crohn, bệnh gây nên tình trạng loét vùng niêm mạc ruột ở cả ruột già và ruột non. Tuy nhiên, việc mắc bệnh có thể ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan trong hệ thống đường tiêu hóa. Do hiện nay Crohn được điều trị bằng cách giảm triệu chứng cho bệnh nhân là chủ yếu, vì vậy nếu điều trị không đúng cách và kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng, trong đó có rò hậu môn.
  • Rò hậu môn cũng có thể là hậu quả của bệnh lý viêm túi thừa vùng đại tràng. Những túi nhỏ được hình thành tự nhiên do áp lực trong đại tràng là vị trí thuận lợi để vi khuẩn trong phân phát triển, gây tình trạng viêm túi thừa. Các nghiên cứu đã chứng minh, bệnh lý viêm túi thừa không được điều trị dứt điểm có thể gây nên những ổ apxe tại vị trí này, thậm chí là đường rò hậu môn.
  • Ngoài ra, rò hậu môn cũng có thể do một số bệnh truyền nhiễm như: lao, HIV… Lao hậu môn là một tình trạng hiếm gặp, chỉ chiếm 0,7% trong các trường hợp lao ngoài phổi, tuy nhiên đã có ghi nhận về các trường hợp biến chứng apxe do lao hậu môn gây ra. Ở những bệnh nhân này, triệu chứng thường bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với các bệnh nhiễm khuẩn khác, việc bỏ qua triệu chứng apxe có thể gây nên những đường rò vùng hậu môn.

3, Triệu chứng phát hiện rò hậu môn

Triệu chứng của rò hậu môn thường chỉ được phát hiện khi đã xuất hiện lỗ rò trên da. Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân có thể xuất hiện những triệu chứng không phổ biến như: đau vùng mông, xuất hiện sưng đỏ quanh vùng hậu môn, có thể sốt…

Sau đó, bệnh nhân thường xuất hiện mủ ở gần hậu môn, mủ chảy dịch mùi khó chịu. Vết thương liền, đóng vảy nhưng thỉnh thoảng lại chảy mủ lại gây đau, có thể tái đi tái lại nhiều lần trong thời gian ngắn. Bệnh nhân có triệu chứng ngứa, đau rát và thường xuyên xì hơi qua đường rò.

Trong trường hợp xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào trong những triệu chứng kể trên, hãy đến trung tâm y tế để được khám và chẩn đoán chính xác, điều trị ngay từ giai đoạn sớm.

Hình ảnh đường rò nguyên phát
Hình ảnh đường rò nguyên phát

4, Phân loại rò hậu môn

Rò hậu môn tùy thuộc vào vị trí hay tình trạng mà có thể chia thành nhiều loại khác nhau. Dưới đây là một số cách phân loại bệnh rò hậu môn phổ biến.

Phân loại hoàn toàn hoặc không hoàn toàn:

  • Rò hậu môn không hoàn toàn: Là tình trạng bệnh lý rò hậu môn mà chỉ xuất hiện 1 lỗ rò tại da quanh vùng hậu môn (hay còn được gọi là rò chột).
  • Rò hậu môn hoàn toàn: Là tình trạng bệnh lý rò hậu môn mà xuất hiện đường rò từ trong ra ngoài, lỗ rò trong và ngoài sẽ thông với nhau.

Phân loại theo mức độ:

  • Rò hậu môn đơn giản: Là tình trạng bệnh lý rò hậu môn mà đường rò đơn giản, thường chỉ là một đường thẳng từ vị trí xuất hiện apxe đến da, ít ngóc ngách.
  • Rò hậu môn phức tạp: Là tình trạng bệnh lý rò hậu môn mà đường rò nhiều ngách, phức tạp, từ vị trí ổ nhiễm trùng có thể xuất hiện nhiều lỗ rò quanh vùng hậu môn (còn được gọi là rò móng ngựa).

Phân loại theo vị trí so với cơ thắt:

  • Rò hậu môn trong cơ thắt: Là tình trạng bệnh lý do ổ apxe ở vị trí da gần hậu môn gây ra, trong cái loại rò hậu môn, rò trong cơ thắt là loại khả quan nhất. Những người mắc rò hậu môn trong cơ thắt nếu được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ thường cho hiệu quả hoàn toàn, ít gặp trường hợp tái phát.
  • Rò hậu môn xuyên cơ thắt: Là tình trạng xuất hiện đường rò xuyên qua vùng cơ thắt hậu môn gây tổn thương các lớp cơ quanh ống tiêu hóa vùng hậu môn, do những ổ nhiễm trùng vùng hố trực tràng gây nên. Trong các loại rò hậu môn, rò hậu môn xuyên cơ thắt là loại chiếm tỷ lệ cao nhất, đường rò có thể xuất hiện ở các vị trí khác nhau tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Những người có đường rò ở vị trí càng thấp thì hậu quả càng được giảm thiểu, đối với vị trí thấp thì thường khoảng gần nửa phần cơ thắt bị tổn thương. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân có đường rò quá cao, có thể gây nên tình trạng thủng hoàn toàn cơ thắt.
  • Rò hậu môn ngoài cơ thắt: Là tình trạng bệnh lý do ổ nhiễm khuẩn ở vị trí ngoài cơ thắt không được điều trị kịp thời gây nên, vị trí nhiễm khuẩn phổ biến được ghi nhận trong trường hợp này là vùng chậu hông trực tràng.
Các loại rò hậu môn
Các loại rò hậu môn

5, Chẩn đoán và điều trị

5,1 Chẩn đoán

Bệnh nhân thường đến gặp bác sĩ khi đã xuất hiện các triệu chứng rõ rệt của bệnh. Trong quá trình tiếp cận với bệnh nhân, khi nghi ngờ bệnh lý rò hậu môn, bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân liệt kê các triệu chứng đã gặp phải, tiền sử các bệnh lý đã gặp đặc biệt là bệnh lý vùng trực tràng – hậu môn. Trong một số trường hợp, bạn có thể được yêu cầu kiểm tra một số xét nghiệm liên quan như: các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, lao…

Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ thăm khám để tìm kiếm những vùng da quanh hậu môn, xác định vị trí các lỗ rò và các triệu chứng khác trên da như: vết mủ chảy, nốt sưng tấy, dịch vàng… Ấn tay vào vị trí nghi ngờ cảm giác được dây cứng xuất hiện. Sau khi xác định được lỗ rò, tùy thuộc vào vị trí của lỗ rò để xác định độ sâu, đường đi và xác định lỗ rò có thông vào ống hậu môn tại vùng nào. Tuy nhiên việc khám và xác định lỗ rò hậu môn bằng tay là khá khó khăn, nhất là với những rỗ lò không xuất hiện rõ ràng trên da.

Để chẩn đoán xác định rò hậu môn, bạn có thể được yêu cầu làm các xét nghiệm xác định như:

  • Biện pháp nội soi vùng trực tràng và hậu môn để xác định chính xác nguyên nhân do ổ apxe tại vị trí nào, từ đó đưa ra hướng điều trị phù hợp tùy thuộc từng trường hợp.
  • Biện pháp siêu âm vùng trực tràng, hậu môn hoặc xét nghiệm MRI để xác định chính xác đường rò hậu môn.

5.2 Điều trị

Rò hậu môn không phải là bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên triệu chứng và các biến chứng có thể xảy ra của bệnh gây ảnh hưởng khá lớn đến chất lượng cuộc sống cũng như công việc của người bệnh. Vì vậy, ngay khi phát hiện và được chẩn đoán xác định bệnh, bệnh nhân nên điều trị ngay để đạt được hiệu quả tốt nhất. Phương pháp điều trị tốt nhất được xác định đối với bệnh rò hậu môn tính tới thời điểm hiện giờ là PHẪU THUẬT.

Phẫu thuật sẽ được tiến hành sau khi xác định chính xác vị trí và đường đi của đường rò. Tùy thuộc vào vị trí và đường đi mà phẫu thuật có thể đơn giản hoặc phức tạp, cụ thể như sau:

  • Đối với những bệnh nhân thuộc phân loại rò hậu môn đơn giản, đường rò chỉ đơn giản xuất phát từ vùng ổ nhiễm trùng đến lỗ rò ngoài da, đường rò ít ngóc ngách. Bác sĩ sẽ cắt phần da và các lớp cơ bao quanh đường rò, khoét sạch vùng nhiễm khuẩn để tránh sự tái phát của lỗ rò.
  • Đối với những bệnh nhân thuộc phân loại rò hậu môn phức tạp, đường rò có nhiều ngóc ngách hoặc từ một ổ nhiễm khuẩn xuất hiện nhiều đường rò. Bác sĩ có thể phải can thiệp bằng các biện pháp khác như đặt Seton vào lỗ rò. Seton là cách làm hiệu quả giúp dẫn lưu toàn bộ dịch mủ, làm sạch ổ nhiễm trùng, giúp hạn chế việc tái nhiễm của lỗ rò.

Phẫu thuật là cách điều trị hiệu quả nhất đối với rò hậu môn, tuy nhiên nếu phẫu thuật không đúng cách cũng có thể gây nên sự tái phát nguy hiểm của rò hậu môn. Vì vậy, trong quá trình phẫu thuật rò hậu môn, cần đảm bảo tốt những tiêu chí sau:

  • Cần xác định được vị trí lỗ rò, đặc biệt là những lỗ rò không xuất hiện trên da, chỉ khi xác định đúng đường đi của lỗ rò mới có thể xác định đúng phương pháp điều trị và chữa trị hoàn toàn.
  • Cần vét sạch những tổ chức xơ, những ổ nhiễm trùng trên mọi đường đi của lỗ rò, tránh sự tái phát.
  • Đối với những bệnh nhân có đường rò gần cơ thắt, cần đảm bảo trong quá trình điều trị không làm ảnh hưởng đến cơ thắt. Trong trường hợp cơ thắt tổn thương có thể dẫn đến những ảnh hưởng xấu đến người bệnh như: đại tiện không tự chủ…
  • Chú ý đến quá trình hậu phẫu, cần đảm bảo đúng quy định đến vết mổ được liền từ trong ra ngoài.
Phương pháp điều trị tốt nhất đối với bệnh rò hậu môn là PHẪU THUẬT
Phương pháp điều trị tốt nhất đối với bệnh rò hậu môn là PHẪU THUẬT

6, Một số câu hỏi liên quan

6.1 Rò hậu môn ở trẻ có xảy ra không?

– Một số thông tin về bệnh rò hậu môn ở trẻ:

Rò hậu môn được thống kê là một trong những bệnh dễ xảy ra ở trẻ em trong nhóm bệnh hậu môn – trực tràng. Bệnh được xác định do nguyên nhân ổ apxe tiến triển gây nên, một số nhỏ có thể mắc phải rò hậu môn bẩm sinh (hiếm khi).

Một số triệu chứng các mẹ cần chú ý để phát hiện sớm biểu hiện của bệnh như sau:

Xung quanh vị trí hậu môn của bé xuất hiện những nốt nhọt sưng đỏ, nốt có thể vỡ ra tạo mùi khó chịu, nốt tái đi tái lại nhiều lần trong thời gian ngắn. Các mẹ cần chú ý phân biệt những ung nhọt gây lỗ rò với những nốt mụn ở trẻ nhỏ do đóng bỉm gây nóng.

Chú ý những biểu hiện ngứa ngáy, đau rát của trẻ ở quanh khu vực hậu môn, đặc biệt nếu thường xuyên xuất hiện cơn đau khi đi đại tiện.

– Cách điều trị và những lưu ý trong quá trình điều trị:

Đường rò ở những bệnh nhân nhi thường nhỏ và rất khó xác định do các bé không chịu hợp tác trong quá trình thăm khám. Cũng giống như người lớn, bệnh rò hậu môn đối với trẻ không thể tự khỏi và tính tới thời điểm hiện tại, chưa có thuốc điều trị bệnh. Điều trị rò hậu môn ở trẻ một cách hiệu quả nhất là phẫu thuật hậu môn.

Sau phẫu thuật cần đặc biệt chú ý đảm bảo đúng yêu cầu về hậu phẫu, nhất là với đối tượng trẻ nhỏ. Ngoài ra, các mẹ cần đặc biệt chú ý về chế độ dinh dưỡng cho trẻ để quá trình hồi phục được tối ưu. Nên cho trẻ ăn những nhiều các thực phẩm giàu vitamin, các loại thực phẩm nhiều chất xơ giúp nhuận tràng. Cần chú ý loại những thực phẩm khó tiêu ra khỏi chế độ ăn, hạn chế tình trạng táo bón có thể gây nứt vết mổ hay làm cho lỗ rò tái phát.

Hình ảnh rò hậu môn
Hình ảnh rò hậu môn

6.2 Sinh hoạt đúng cách hạn chế Rò hậu môn tái phát?

– Hậu phẫu: Đối với bệnh nhân vừa phẫu thuật hậu môn, cần tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của cán bộ y tế, hạn chế sự nhiễm trùng hay tái phát của bệnh.

Trong 3-5 ngày đầu tiên sau phẫu thuật, bệnh nhân thường được yêu cầu tiếp tục sử dụng kháng sinh cho đến khi hết liều. Chú ý sử dụng theo đúng hướng dẫn để đạt hiệu quả điều trị tối đa.

Ngâm vùng hậu môn vào vùng nước ấm có pha với povidine – iod để sát trùng vùng lỗ rò. Ngoài ra để giảm đau sau phẫu thuật, người bệnh cũng được kê dùng thêm thuốc giảm đau, thuốc gây tê cục bộ và các loại thuốc nhuận tràng, mềm phân giúp bệnh nhân giảm các triệu chứng khó chịu sau mổ. Yêu cầu sử dụng đúng và đủ liều, đặc biệt là thuốc giảm đau sẽ giảm liều theo thời gian, nghiêm cấm sử dụng quá liều với mục đích giảm đau.

– Chế độ sinh hoạt: Đối với những bệnh nhân đã từng mắc rò hậu môn, để tránh hiện tượng tái phát bệnh, bạn có thể tham khảo những lưu ý sau đây:

  • Bổ sung vào chế độ ăn những thực phẩm giàu chất xơ và vitamin, đây là những chất giúp hỗ trợ thức ăn được vận chuyển dễ dàng hơn qua ruột, hỗ trợ toàn diện cho hệ tiêu hóa.
  • Uống đủ nước cho cơ thể, nước luôn được biết đến với vai trò quan trọng cho sức khỏe của con người, trong đó có vai trò hỗ trợ hệ tiêu hóa. Uống nhiều nước sẽ giúp quá trình tiêu hóa thức ăn tốt hơn, dễ dàng hơn.
  • Đại tiện theo giờ, duy trì đại tiện theo chu trình nhất định, tránh nhịn gây hiện tượng táo bón, là yếu tố nguy cơ dẫn đến rò hậu môn tái phát.
  • Vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt là vùng da từng bị rò hậu môn. Luôn giữ vùng da này khô ráo và sạch sẽ chính là cách hạn chế vi khuẩn cũng như hạn chế rò hậu môn tái phát.
  • Chú ý chế độ luyện tập thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe và sức đề kháng của cơ thể một cách toàn diện.
Chú ý chế độ luyện tập thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe và sức đề kháng của cơ thể một cách toàn diện.
Chú ý chế độ luyện tập thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe và sức đề kháng của cơ thể một cách toàn diện.

6.3 Một vài dấu hiệu rò hậu môn tái phát cần chú ý

Những bệnh nhân có tiền sử rò hậu môn cần chú ý một số triệu chứng sau đây, nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào, nên đến ngay trung tâm y tế để được tư vấn về nguy cơ tái phát rò hậu môn.

Tại vết mổ xuất hiện dịch mủ: Nếu bạn phát hiện dịch mủ tại vết mổ thì rất có thể xuất hiện tình trạng tái phát của bệnh. Lượng mủ và màu sắc trong từng trường hợp là khác nhau, tùy thuộc vào mức độ, tuy nhiên hãy đi kiểm tra ngay khi có thể để được tư vấn chính xác về tình trạng bệnh.

Chảy máu khi đại tiện: Đây là một biểu hiện rất điển hình ở các bệnh hậu môn – trực tràng, có thể do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên đối với những bệnh nhân đã có tiền sử rò hậu môn thì nên lưu tâm khi gặp tình trạng này, vì rất có thể bệnh rò hậu môn của bạn có biểu hiện tái phát.

Trên đây là những thông tin về bệnh lý rò hậu môn – một bệnh lý vùng hậu môn trực tràng phổ biến hiện nay. Hy vọng Hemono đã cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích, hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi để được cập nhật những thông tin khác.

Xem thêm:

Bệnh trĩ ở trẻ em có nguy hiểm không? Cách điều trị và phòng tránh cho trẻ

[Hỏi đáp] Bệnh trĩ ngoại có nguy hiểm không? Cách điều trị

Ngày viết: