Bệnh trĩ là gì? Triệu chứng, hình ảnh và cách điều trị triệt để
Như chúng ta đã biết, bệnh trĩ không còn là một cái tên xa lạ với con người hiện nay. Trĩ là một bệnh lý gây ảnh hưởng rất nhiều đến người bệnh. Vậy bệnh này là gì, nguyên nhân và các triệu chứng như thế nào, điều trị ra sao,… trong bài viết dưới đây của Hemono sẽ giúp bạn tìm hiểu nhé.
1. Đại cương về bệnh trĩ
Trĩ là một tình trạng bất thường ở khu vực hậu môn và trực tràng. Bệnh biểu hiện là những búi sa giãn lồi to và có thể lồi ra khỏi ống hậu môn ra bên ngoài. Chính vì sự bất thường này sẽ làm cho việc đại tiện của bệnh nhân gặp nhiều bất thường, bệnh nhân hay táo bón, đại tiện ra phân lẫn máu, búi trĩ lồi ra ngoài gây đau và khó chịu cho bệnh nhân.
Cơ chế của bệnh trĩ: tại hậu môn, hệ thống tĩnh mạch rất đa dạng và phong phú. Các tĩnh mạch có thể có nối thông với nhau tạo thành các búi xoang tĩnh mạch lớn. Nếu các búi này bị giãn quá mức sẽ lồi ra chiếm một phần diện tích lòng hậu môn gây hẹp đường kính hậu môn. Búi tĩnh mạch càng giãn to thì thành búi trĩ càng mỏng và nguy cơ chảy máu rất cao khi có sự cọ sát từ lòng hậu môn, đặc biệt là khi đi đại tiện. Khi giãn quá to đến mức lòng hậu môn không chứa hết thì búi trĩ sẽ có xu hướng sa ra ngoài.
Dịch tễ: Bệnh trĩ là một bệnh đã được nói đến từ lâu. Đây là một bệnh khá phổ biến, tần suất mắc bệnh ở người lớn là 2- 25% dân số, gặp ở những người lớn tuổi chiếm tỷ lệ trên 50%, đa số bệnh ở tuổi lao động.
2. Nguyên nhân của bệnh trĩ là gì?
Cho đến nay vẫn chưa có một thuyết học hay nghiên cứu nào đưa ra được nguyên nhân cụ thể của bệnh trĩ. Theo kinh nghiệm, người ta chia nguyên nhân gây bệnh trĩ thành những nhóm sau:
Nguyên nhân cơ học bao gồm: Những nguyên nhân làm cho áp lực phía bên trong ổ bụng tăng cao hơn bình thường, thường gặp ở những bệnh nhân thường xuyên bị táo bón, bị bí tiểu khiến bệnh nhân phải gắng sức và rặn nhiều, mạnh. Hoặc gặp ở những đối tượng có tính chất công việc phải duy trì một tư thế kéo dài như ngồi, đứng hay phải mang vác nặng.
Những yếu tố căn nguyên dẫn tới tình trạng gián đoạn hệ thống tuần hoàn ở vùng hố chậu nhỏ như sự xuất hiện những khối u lành tính hay ác tính ở các vị trí như trực tràng, cơ quan sinh dục, polyp đường hậu môn trực tràng hay nhiều trường hợp gặp ở phụ nữ có thai.
Nhóm nguyên nhân do tình trạng nhiễm khuẩn gây nên: vùng hậu môn trực tràng có các hốc tuyến như tuyến bã, tuyến trong cột morgagni,… Một số trường hợp do nguyên nhân nào đó dẫn tới tình trạng viêm ở các hốc tuyến này sẽ dẫn tới tổn thương các tĩnh mạch làm cho các tĩnh mạch đó dễ bị nhiễm khuẩn bị cục phân rắn gây chấn thương nhiều lần mỗi khi đại tiện.
Nhóm nguyên nhân do tổn thương thành tĩnh mạch trĩ: tình trạng này có thể là bất thường bẩm sinh hoặc do sự giãn quá mức của các tĩnh mạch trĩ.
3. Phân loại bệnh trĩ
Hiện nay có nhiều cách phân loại bệnh trĩ khác nhau như sau:
Phân loại theo nguyên nhân bệnh sinh gồm 2 loại
Trĩ triệu chứng: là trường hợp trĩ không phải bệnh khởi phát chính mà chỉ là một triệu chứng hay hậu quả của một bệnh lý khác như: xơ gan gây tăng áp lực tĩnh mạch cửa, giãn tĩnh mạch trĩ, khối u ác tính vùng trực tràng, hay ở những người đang có bầu,…
Trĩ bệnh lý: là tình trạng bệnh trĩ xuất hiện đơn độc không liên quan tới bệnh lý nào khác trong cơ thể. Trường hợp trĩ bệnh lý là trường hợp được chỉ định điều trị ngoại khoa nhiều nhất.
Phân loại theo giải phẫu bệnh
Gồm 3 nhóm được chia ra bởi đường lược bên trong ống hậu môn là:
Trĩ nội: là bệnh trĩ có chân búi trĩ nằm bên trên đường lược và cơ thắt ngoài. Trĩ nội không thể phát hiện hay quan sát được bằng mắt thường mà phải nội soi hậu môn trực tràng mới có thể quan sát được.. Bao phủ bên ngoài búi trĩ là lớp niêm mạc của ống hậu môn.
Trĩ ngoại: là bệnh trĩ có chân búi trĩ nằm phía dưới đường lược, có thể quan sát được bằng mắt thường hay khi thăm khám trực tràng. Bao phủ bên ngoài búi trĩ là phần da của ống hậu môn.
Trĩ hỗn hợp: là tình trạng mà chân búi trĩ nằm ở các vị trí không xác định hoặc ở nhiều vị trí, cả trên và dưới của đường lược.
Ngoài ra người ta còn chia ra búi trĩ chính gồm: trái ngang, phải trước, phải sau và búi trĩ phụ nằm giữa các búi trĩ chính và nhỏ hơn.
Phân loại theo mức độ
Có nhiều cách chia theo mức độ nhưng nhiều người cho rằng cách chia của bệnh viện St.Mark hợp lý hơn cả với 3 mức độ như sau:
- Độ I: búi trĩ không vượt ra khỏi giới hạn của cơ thắt ngoài.
- Độ II: búi trĩ lồi ra bên ngoài giới hạn của cơ thắt mỗi khi bệnh nhân rặn mạnh hoặc khi đại tiện nhưng sau đó nếu đẩy lên thì búi trĩ vẫn có thể co vào trong được.
- Độ III: búi trĩ sa ra bên ngoài cơ thắt ngoài liên tục, thậm chí lồi ra ngoài khỏi ống hậu môn, không tự co lên được và khi đẩy búi trĩ cũng không trở về bên trong ống hậu môn được.
Cũng theo y học cổ truyền Việt Nam, người ta chia bệnh trĩ thành 4 độ:
- Độ I: búi trĩ không vượt ra khỏi giới hạn của cơ thắt ngoài.
- Độ II: búi trĩ lồi ra bên ngoài giới hạn của cơ thắt ngoài cơ thắt ngoài mỗi khi bệnh nhân rặn mạnh hoặc đại tiện nhưng sau đó sẽ tự co lên được.
- Độ III: búi trĩ ra ngoài giới hạn cơ thắt ngoài mỗi khi bệnh nhân rặn hoặc đại tiện nhưng sau đó búi trĩ không tự co lên được mà phải đẩy mới có thể co lên.
- Độ IV: búi trĩ ra ngoài lỗ hậu môn liên tục, đẩy cũng không thụt vào được. Độ này thường có chỉ định can thiệp ngoại khoa ngay cho bệnh nhân.
Phân loại bệnh trĩ thành 4 cấp độ 4.
4. Biểu hiện của bệnh trĩ như thế nào?
Thông thường, tùy theo từng mức độ với những bệnh nhân khác nhau sẽ có những biểu hiện lâm sàng khác nhau. Dưới đây là một số triệu chứng chung thường gặp ở những bệnh nhân bị bệnh trĩ:
- Chảy máu khi bệnh nhân đi đại tiện: đây là một triệu chứng rất hay gặp ở những bệnh nhân trĩ, thường gặp ở những mức độ trĩ nặng. Căn nguyên của tình trạng chảy máu này chính là do cục phân cọ sát làm tổn thương thành tĩnh mạch trĩ, mà thành tĩnh mạch trĩ này đã bị suy mòn trước đó nên dễ làm chảy máu. Vì là máu từ tĩnh mạch chảy ra nên máu chảy theo phân là máu đỏ tươi, máu chảy sau khi cục phân đã được tống ra ngoài (chảy máu cuối bãi).
Tình trạng chảy máu cũng có nhiều mức độ khác nhau: máu chảy rỉ rả từ từ, phun thành từng tia hay chảy máu nhiều ồ ạt. Nếu tình trạng chảy máu kéo dài rất dễ gây nên tình trạng thiếu máu cho bệnh nhân. Thiếu máu có thể biểu hiện bằng các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, chân tay lạnh, da xanh, niêm mạc nhợt nhạt,…
- Mót rặn, đau tức vùng hậu môn: búi trĩ thường xuyên kích thích gây nên tình trạng mót rặn cho bệnh nhân. Vì lượng máu lưu thông không ổn định, nhiều khi máu đến búi trĩ thiếu dễ gây nên cảm giác đau tức vùng hậu môn cho bệnh nhân. Trong các trường hợp mà búi trĩ bị xoắn hay hoạt tử thì mức độ đau sẽ dữ dội hơn nhiều.
- Búi trĩ lồi ra ngoài khỏi ống hậu môn làm cho bệnh nhân khó chịu, bất tiện trong sinh hoạt. Nếu trĩ mức độ nhẹ thì búi trĩ sẽ tự co lên sau khi bệnh nhân đại tiện, mức độ nặng hơn thì búi trĩ sẽ không co lên được nữa mà nằm hoàn toàn ở bên ngoài luôn.
- Khi khám thăm hậu môn trực tràng có thể sờ thấy được búi trĩ, xác định chân búi trĩ xem đó là trĩ nội, trĩ ngoại hay trĩ hỗn hợp. Búi trĩ thường sờ thấy mềm, ấm dễ lõm.
- Khi can thiệp soi trực tràng có thể quan sát thấy vị trí búi trĩ, tương quan chân búi trĩ và đường lược, màu sắc búi trĩ thường là màu tím hoặc đỏ thẫm.
Ngoài ra để xác định trĩ bệnh lý hay trĩ triệu chứng phải khám kỹ các dấu hiệu bệnh lý toàn thân xem bệnh nhân có bệnh lý gì đi kèm hay không. Đặc biệt là các bệnh lý hậu môn trực tràng.
5. Điều trị bệnh trĩ như thế nào?
Đứng trước một bệnh nhân bị trĩ, có thể lựa chọn phương pháp điều trị nội khoa, ngoại khoa hoặc kết hợp cả 2 phương pháp này.
Điều trị nội khoa: chỉ định trong các trường hợp trĩ mức độ nhẹ hoặc những bệnh nhân có bệnh lý toàn thân nặng không can thiệp ngoại khoa được. Điều trị nội khoa cụ thể có thể là:
- Thiết lập chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý: ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung nhiều chất xơ, hạn chế những đồ ăn mang tính kích thích như rượu bia, thuốc lá, đồ có gas, đồ ăn nhanh,… khi làm việc nên thay đổi tư thế thường xuyên ít nhất 15 phút một lần. Luyện tập thể dục thể thao hằng ngày.
- Dùng thuốc: có thể kê cho bệnh nhân các loại thuốc giảm đau, chống viêm, giảm co thắt cơ trơn,…
Điều trị ngoại khoa: thường chỉ định ngoại khoa khi bệnh nhân bị trĩ mức độ nặng hoặc có nhiều biến chứng nguy hiểm mà điều trị nội khoa không có hiệu quả.
Hiện nay có nhiều phương pháp can thiệp ngoại khoa khác nhau để điều trị bệnh trĩ như:
- Tiêm xơ hoá búi trĩ
- Thắt chân cuống búi trĩ
- Liệu pháp đông lạnh hay làm đông bằng tia hồng ngoại
- Thủ thuật Barron
- Cắt bỏ búi trĩ theo một trong các phương pháp sau: Milligan- Morgan, phương pháp A.Parks, phương pháp Ferguson, phương pháp Whitehead,…
- Phẫu thuật Longo
Sau điều trị ngoại khoa có thể cho bệnh nhân dùng thêm giảm đau, kháng sinh để tránh các biến chứng nhiễm khuẩn do can thiệp.
Trên đây là một số thông tin về bệnh trĩ mong các bạn có thể tham khảo được nhiều thông tin cần thiết. Như chúng ta thấy rằng, bệnh trĩ không phải là một bệnh lý quá nguy hiểm, nhưng nếu chủ quan mà không điều trị khi cần thiết thì cũng dễ dẫn tưới nhiều hậu quả mà người bệnh không mang muốn. Các bạn hãy quan tâm tới sức khỏe của mình, đừng chủ quan dù là bệnh không nguy hiểm nhé.
Xem thêm bài viết liên quan:
Trĩ nội là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị & phòng ngừa
[BẬT MÍ] Cách chữa bệnh trĩ an toàn, hiệu quả tại nhà mà ai cũng nên biết