Kỹ thuật nội soi ra đời đã đánh dấu sự phát triển vượt bậc của y học hiện đại. Nhờ có nội soi mà các bác sĩ đã có thể chẩn đoán, phát hiện và điều trị bệnh hiệu quả, đặc biệt là với những bệnh về tiêu hóa. Một trong số đó phải kể đến kỹ thuật nội soi trực tràng. Nhờ có kỹ thuật này mà các bệnh polyp, ung thư trực tràng… đã được phát hiện và điều trị kịp thời. Bài viết dưới đây của Hemono sẽ cung cấp cho bạn những điều cần biết về nội soi trực tràng.

1, Một số thông tin về trực tràng
Trực tràng là đoạn ruột già cuối cùng trong hệ thống đường tiêu hóa, là phần nối liền giữa đại tràng sigma và hậu môn. Trực tràng là một đoạn ruột thẳng, có chiều dài trung bình khoảng từ 15 đến 20cm. Trực tràng có phần trên phình to hơn bình thường gọi là bóng trực tràng, đoạn hẹp phía dưới gọi là ống hậu môn.
Trực tràng nằm ở hố chậu, phía trước xương cùng, ở nam giới thì trực tràng nằm sau bàng quang, túi tinh và tuyến tiền liệt, ở nữ trực tràng nằm sau tử cung và âm đạo.
Trực tràng có vai trò rất quan trọng trong hệ thống đường tiêu hóa, có nhiệm vụ lưu trữ và đào thải các chất cặn bã ra ngoài cơ thể. Khi trực tràng có vấn đề, người bệnh sẽ gặp những triệu chứng bất thường như chảy máu, đau rát khi đi đại tiện,… làm ảnh hưởng đến quá trình đào thải chất cặn bã của cơ thể.
Vì những đặc điểm kể trên, nên trực tràng rất hay gặp phải các tình trạng như viêm loét, polyp, ung thư…
2, Nội soi trực tràng là gì?
Nội soi trực tràng là một thủ thuật thăm dò mà người ta sử dụng một ống soi mềm có gắn camera và đèn, đưa qua lỗ hậu môn vào bên trong để soi trực tràng với mục đích tìm và phát hiện ra những tổn thương trong lòng trực tràng, từ đó có hướng chẩn đoán và can thiệp điều trị cho bệnh nhân. Phương pháp này có độ chính xác cao và đang được áp dụng phổ biến vì sự đơn giản, an toàn và hiệu quả.
Hiện có 2 loại nội soi trực tràng được sử dụng tại các cơ sở y tế là: Nội soi bằng ống cứng và nội soi bằng ống mềm. Mỗi phương pháp sẽ có các đặc điểm và tính chất khác nhau như sau:
- Nội soi trực tràng bằng ống cứng:
Sử dụng dụng cụ soi là một chiếc ống cứng, thẳng, có đường kính từ 1 đến 2 cm, độ dài của ống phụ thuộc vào độ tuổi và thể trạng của bệnh nhân, trung bình khoảng từ 25 đến 50 cm. Ở đầu ống được lắp camera, đèn soi và một dụng cụ bơm hơi bằng tay với mục đích làm nở lòng ruột và làm rộng vi trường quan sát.
Hiện nay phương pháp nội soi trực tràng bằng ống cứng không còn được sử dụng rộng rãi như trước kia do nhược điểm là gây đau và có thể gây tổn thương đến lớp niêm mạc của trực tràng. Ngoài ra, trong một số trường hợp như thủ thuật nội soi cắt polyp trực tràng, sử dụng ống cứng sẽ gây khó khăn cho các bác sĩ phẫu thuật trong quá trình thực hiện. Vì khi đó lòng trực tràng rất dễ bị xẹp lại, cản trở việc quan sát sau khi mở nắp kính để đưa dụng cụ vào trong lòng ống.
- Sử dụng ống mềm để nội soi trực tràng:
Để khắc phục nhược điểm của ống cứng trong nội soi trực tràng, người ta đã chuyển sang sử dụng một loại ống nội soi mềm. Ống soi này có thiết kế mềm, nhỏ, đường kính chỉ khoảng 1.3cm, chiều dài khoảng 65cm, đầu ống được bọc một lớp nhựa trơn láng. Nhờ đặc điểm này mà ống có thể uốn mềm được theo các vị trí gập của ruột, nên các bác sĩ sẽ dễ điều khiển hơn và ít gây đau cho bệnh nhân, hình ảnh quan sát được một cách rõ ràng và chính xác hơn.
Vì những ưu điểm trên nên hiện nay phương pháp nội soi trực tràng bằng ống soi mềm đang được sử dụng khá phổ biến.
3, Chỉ định của nội soi trực tràng

Nội soi trực tràng không chỉ mang mục đích để chẩn đoán bệnh mà còn để điều trị và theo dõi diễn biến của bệnh. Bệnh nhân thường được chỉ định tiến hành nội soi trực tràng trong các trường hợp như:
Với mục đích chẩn đoán bệnh, nội soi trực tràng được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Rối loạn đại tiện: Bệnh nhân có biểu hiện tiêu chảy và táo bón thất thường, hoặc tiêu chảy kéo dài không rõ nguyên nhân.
- Đi ngoài ra máu đỏ tươi, số lượng nhiều và kéo dài trong một khoảng thời gian.
- Bệnh nhân bị thiếu máu không rõ nguyên nhân
- Đau bụng dưới rốn chưa rõ nguyên nhân, đặc biệt là đau vùng hố chậu trái, đau co thắt từng cơn theo nhu động ruột.
- Đau rát hậu môn, thấy có dịch chảy ở trong hoặc ngoài ống hậu môn.
- Soi để kiểm tra định kỳ cho những người đang bị hoặc sau cắt polyp, ung thư trực tràng, hoặc để tầm soát những người có nguy cơ bị ung thư đại trực tràng.
- Những người bị viêm loét đại trực tràng, rò hay nứt hậu môn nội.
- Trong trường hợp test hồng cầu trong phân dương tính
Ngoài ra nội soi trực tràng còn được chỉ định để điều trị các bệnh:
- Polyp trực tràng: Nội soi để cắt polyp
- Viêm loét trực tràng: Nội soi với mục đích cầm máu
- Dị vật trong trực tràng hậu môn: Nội soi để lấy dị vật ra ngoài
Nội soi trực tràng còn để theo dõi những trường hợp loạn sản, lấy niêm mạc để làm sinh thiết tế bào với những ca bệnh nghi ngờ ung thư.
4, Nội soi trực tràng chống chỉ định trong trường hợp nào?
Không có chống chỉ định tuyệt đối với thủ thuật này, tuy nhiên vẫn cần thận trọng khi tiến hành nội soi trực tràng với những trường hợp sau:
- Người có thể trạng yếu, người cao tuổi, phụ nữ có thai (3 tháng đầu và 3 tháng cuối), và những trường hợp đang bị viêm nhiễm nặng.
- Những người có bệnh lý nền như suy tim, nhồi máu cơ tim mới, loạn nhịp tim, rối loạn đông máu…
- Những người mới phẫu thuật ở đại trực tràng hoặc tiểu khung.
5, Các bước nội soi trực tràng

Quy trình nội soi trực tràng cơ bản gồm 2 bước chính là chuẩn bị và tiến hành nội soi:
Chuẩn bị:
- Bác sĩ cần giải thích rõ quy trình và cách thực hiện cho bệnh nhân, hướng dẫn bệnh nhân sử dụng thuốc nhuận tràng hoặc thuốc thụt hậu môn để làm sạch hậu môn. Người bệnh cần thụt tháo hai lần (tối hôm trước và trước khi nội soi 3 tiếng) để đảm bảo hậu môn được làm sạch. Việc làm sạch sẽ giúp cho bác sĩ dễ dàng đưa ống nội soi vào trong và quan sát bề mặt trực tràng rõ hơn.
- Chuẩn bị phòng nội soi với đầy đủ dụng cụ: Ống nội soi mềm, nguồn sáng, máy hút, kìm gắp, kìm sinh thiết, bông băng… và bác sĩ, kỹ thuật viên chuyên môn cao để thực hiện.
Nội soi:
- Tư thế bệnh nhân: Bệnh nhân nằm nghiêng trái và hơi co chân phải lên để dẽ dàng đưa ống nội soi vào trong.
- Tư thế người thực hiện: Người thực hiện cầm ống nội soi và đứng sau lưng, phía dưới chân bệnh nhân, đối mặt với màn hình chiếu.
Tiến hành:
- Đầu tiên các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra trực tràng bằng ngón tay để phát hiện tổn thương viêm nhiễm ở hậu môn và trực tràng để xử lý kịp thời.
- Sau đó bôi trơn ống nội soi và bắt đầu đưa từ từ qua hậu môn để vào trực tràng. Vừa thực hiện thao tác vừa quan sát màn hình để đáng giá tình trạng niêm mạc hậu môn trực tràng.
- Nếu người bệnh cảm thấy đau hoặc hồi hộp, lo lắng có thể sử dụng thuốc giãn cơ, an thần hoặc gây tê cho bệnh nhân.
- Thông thường sẽ không gặp khó khăn khi thực hiện soi trực tràng, bác sĩ có thể quan sát và đánh giá được toàn bộ trực tràng của bệnh nhân. Trong trường hợp bệnh nhân có viêm loét chảy máu sẽ được bấm sinh thiết, cầm máu, khi thấy polyp có cuống sẽ tiến hành cắt polyp và cầm máu.
- Sau khi quan sát xong, bác sĩ sẽ từ từ rút ống nội soi ra một cách nhẹ nhàng để bệnh nhân không bị bất ngờ. Khi bệnh nhân đã tỉnh táo và ổn định tinh thần, các bác sĩ sẽ thông báo kết quả nội soi.
- Một lần nội soi trực tràng mất khoảng 5 đến 10 phút và phần lớn không có tai biến xảy ra trong và sau quá trình nội soi.
6, Trước khi nội soi cần chuẩn bị những gì? Nội soi trực tràng có phải nhịn ăn không?
Việc chuẩn bị bệnh nhân trước nội soi cũng rất quan trọng. Bệnh nhân cần được sẵn sàng về mọi yếu tố sau thì mới có thể đảm bảo cho cuộc nội soi được thuận lợi và an toàn:
- Yêu cầu để thực hiện được kỹ thuật này là trực tràng phải đảm bảo sạch sẽ và không còn phân, như vậy mới có thể quan sát một cách chính xác tình trạng trong lòng trực tràng. Do đó bạn cần đảm bảo vệ sinh trực tràng và hậu môn thật sạch sẽ.
- Để quá trình nội soi được diễn ra thuận lợi, bạn nên chú ý chế độ ăn của mình trong vòng 24 giờ trước khi tiến hành nội soi.
- Bạn cần tránh ăn những thức ăn khó tiêu và giàu chất xơ như rau xanh, các hạt ngũ cốc, nấm, các loại thịt, … Các thực phẩm có màu đỏ như gấc, củ dền, lòng, tiết canh,…Thay vào đó hãy sử dụng những thức ăn mềm, dễ tiêu như súp, khoai, sữa chua,… Hãy uống nhiều nước để đẩy nhanh quá trình tiêu hóa và làm sạch đường ruột. Việc lưu ý chế độ ăn sẽ giúp cho quá trình tiêu hóa diễn ra nhanh hơn, hạn chế các chất thải tích trữ trong trực tràng, khi bạn thụt tháo và làm sạch hậu môn trực tràng sẽ dễ dàng hơn.
- Ngoài ra bạn nên nhịn ăn trước khi tiến hành nội soi ít nhất 6 tiếng, việc này sẽ đảm bảo trực tràng được sạch phân sau khi thụt tháo.
- Sử dụng thuốc nhuận tràng hoặc thuốc thụt hậu môn vào tối hôm trước và tiếp tục sử dụng thuốc thụt trước khi nội soi 3 tiếng. Sau lần thụt này bạn cần đảm bảo không được ăn thêm bất cứ thứ gì đến khi kết thúc quá trình nội soi.
7, Lưu ý sau khi nội soi trực tràng

Sau khi tiến hành nội soi xong cho bệnh nhân. Chúng ta cần lưu ý một số điểm như:
Theo dõi tình trạng bệnh nhân:
- Bác sĩ cần kiểm tra tinh thần và sức khỏe của bệnh nhân, đảm bảo người bệnh đã hồi phục và ổn định tinh thần. Với những bệnh nhân tiền mê cần theo dõi cho tới lúc bệnh nhân tỉnh hoàn toàn.
- Đảm bảo mạch và huyết áp của bệnh nhân ổn định
- Người bệnh cần theo dõi xem mình có bị đau bụng, buồn nôn, đại tiện phân máu sau khi làm thủ thuật không.
Chú ý chế độ ăn:
- Sau khi nội soi, trực tràng và hậu môn còn đang bị kích thích và tổn thương, vì vậy bạn nên lựa chọn một chế độ ăn nhẹ nhàng trong 2 ngày đầu tiên để giảm áp lực cho hệ tiêu hóa. Bạn nên ăn những thức ăn dễ tiêu hóa, được chế biến kỹ như cháo, súp, các món ninh hoặc hầm…
- Bạn nên hạn chế ăn những thực phẩm có nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh được chế biến sẵn. Trong 2 ngày đầu nên tránh ăn những loại quả có tính axit như cam, xoài, bưởi, những loại quả khó tiêu như táo, ổi… hoặc những món như dưa muối, cà muối…
Chế độ sinh hoạt:
- Bạn nên nghỉ ngơi tại cơ sở y tế trong khoảng 1 tiếng trước khi ra về để đảm bảo trạng thái cơ thể đã ổn định, không còn cảm thấy khó chịu ở hậu môn, hay không có các biến chứng như sốt, sock, chóng mặt… xảy ra.
- Có thể bạn sẽ cảm thấy chướng bụng và mót đại tiện nhưng không đi được trong vài ngày đầu sau nội soi. Nhưng đây là phản ứng bình thường nên bạn không cần lo lắng.
- Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng như đau bụng dữ dội, đi ngoài ra máu kéo dài,… thì cần đến gặp bác sĩ để kiểm tra và xử lý kịp thời.
8, Khi nào cần đến viện để nội soi trực tràng?
Nếu bạn hay người thân có một trong những biểu hiện sau đây, thì bạn nên đến các cơ sở y tế để được nội soi và kiểm tra đại tràng:
- Tình trạng đau bụng thường xuyên diễn ra, vị trí đau ở dưới rốn hoặc ở vùng hố chậu trái, đau co thắt liên tục theo nhu động ruột.
- Đi ngoài ra máu tươi số lượng nhiều, thời gian kéo dài hoặc tình trạng này đã hết nhưng sau đó lại diễn ra, làm bạn mất máu nhiều, người xanh xao. Trong trường hợp này bạn nên đi kiểm tra để phát hiện bệnh lý sớm và can thiệp điều trị kịp thời.
- Ngoài ra nếu bạn có tình trạng rối loạn đại tiện, tình trạng phân thất thường hay đau rát, nứt kẽ hậu môn, cảm giác có dịch chảy bất thường ở ống hậu môn thì cũng không được bỏ qua triệu chứng và nên thăm khám kịp thời.
9, Giải đáp một số câu hỏi thường gặp
9.1. Nội soi trực tràng có đau không?

Tâm lý chung của nhiều người khi chuẩn bị nội soi trực tràng là sợ đau và không an toàn. Tuy nhiên bạn không cần lo lắng về điều đó. Đặc điểm giải phẫu của trực tràng là đoạn ruột thẳng, phía trên phình ra tạo thành bóng trực tràng, phía dưới hẹp là ống hậu môn, cơ thắt hậu môn vốn có khả năng co thắt để chúng ta có thể thực hiện đại tiện dễ dàng. Thêm nữa là hiện nay gần như mọi cơ sở y tế đều sử dụng ống nội soi mềm. Vì vậy rất dễ để đưa ống nội soi qua hậu môn vào trực tràng mà không làm tổn thương niêm mạc hay gây đau cho bệnh nhân.
9.2. Chi phí nội soi trực tràng
Hiện nay kỹ thuật nội soi trực tràng đã có mặt và được thực hiện ở hầu hết các cơ sở y tế, bệnh viện trên cả nước. Vì đây là kỹ thuật đơn giản, chỉ nội soi đoạn trực tràng nên không cần tốn thêm chi phí gây mê, nội soi trực tràng cũng có trong danh mục được bảo hiểm chi trả, do đó chi phí cho một lần thực hiện sẽ không quá cao. Bạn chỉ cần lựa chọn một cơ sở uy tín với đội ngũ bác sĩ, máy móc đảm bảo và mức giá hợp lý để thăm khám.
9.3. Có nên nội soi trực tràng không?
Hậu môn trực tràng là có nhiệm vụ lưu trữ và đào thải các chất ra ngoài cơ thể, do đó trực tràng là nơi tích tụ nhiều vi khuẩn, độc tố của cơ thể, là nơi rất dễ xảy ra bất thường như viêm loét, polyp, ung thư,…. Trước kia khi chưa có kỹ thuật nội soi, việc thăm khám, phát hiện và chẩn bệnh rất khó khăn, làm hạn chế kết quả điều trị. Tuy nhiên hiện nay nhờ có kỹ thuật nội soi đại tràng, các bác sĩ có thể quan sát trực tiếp và xác định chính xác mức độ tổn thương của trực tràng, từ đó có sự can thiệp điều trị kịp thời. Vì vậy nếu được bác sĩ chỉ định nội soi trực tràng bạn đừng lo sợ mà từ chối thực hiện.
9.4. Nội soi trực tràng có gây chảy máu không?
Vì hiện nay chủ yếu sử dụng ống nội soi mềm được làm bằng chất liệu chuyên dụng nên sẽ không còn tình trạng bị tổn thương và gây chảy máu niêm mạc trực tràng và hậu môn. Tuy nhiên trong một số tổn thương như viêm loét, sau cắt polyp trực tràng… vẫn sẽ gây ra tình trạng chảy máu. Trong trường hợp này các bác sĩ sẽ cầm máu và dặn dò bạn theo dõi tình trạng chảy máu. Lúc này nếu có vấn đề bất thường bạn cần báo lại ngay với bác sĩ của mình.
Trên đây là một số thông tin về phương pháp nội soi trực tràng. Hy vọng qua bài viết này đã giúp bạn hiểu hơn về phương pháp này, cách thực hiện và giải đáp một số thắc mắc về kỹ thuật này. Nọi soi trực tràng là một phương pháp chẩn đoán rất quan trọng, nên đừng sợ nếu phải tiến hành thủ thuật này nhé.
Xem thêm:
[Review] Cắt trĩ bằng phương pháp HCPT có tốt không, Chi phí bao nhiêu?
Phương pháp cắt trĩ Ferguson là gì? Ưu, nhược điểm, chi phí phẫu thuật